Trải nghiệm tương đồng trong lễ hội Việt - Nhật

Theo Baoquocte 04/06/2017 19:24

Lễ hội Hoa Lư (Việt Nam), Lễ hội Gion (Nhật Bản) chứa đựng bên trong nó những khát vọng, ước muốn mang tính tâm linh và trần tục của cộng đồng dân cư hai nước trong từng hoàn cảnh cụ thể, đồng thời là “sự biểu dương sức mạnh của cộng đồng”- sức mạnh của những giá trị mang đậm tính nhân văn.

Nghi lễ Rước trong Lễ hội Hoa Lư.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, cư dân sống trong các cộng đồng tại một số quốc gia Đông Á ngày càng có nhiều cơ hội thể hiện bản sắc cá nhân, nhưng không vì thế mối liên kết cộng đồng bị phá vỡ. Vậy, điều gì gắn kết nhu cầu khẳng định bản sắc cá nhân với khát vọng thể hiện sức mạnh của cộng đồng, dân tộc tại những quốc gia Đông Á - nơi mà sự chia sẻ lợi ích, cố kết niềm tin, tín ngưỡng trong cộng đồng luôn được tôn vinh?

Chúng tôi đã tìm thấy một phần lời giải đáp từ những lần tham dự sâu vào một số lễ hội đô thị truyền thống tại Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, việc khám phá về sự tương đồng văn hóa giữa Lễ hội Hoa Lư (Việt Nam) và Lễ hội Gion (Nhật Bản) đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị và sâu sắc. Nhờ đó, chúng tôi nhận ra, sự chia sẻ niềm tin, tín ngưỡng, lợi ích chung của cộng đồng được thể hiện trong các lễ hội tại hai nước không chỉ đem lại những giá trị tích cực cho mỗi cá nhân, hay niềm tự hào của người dân mỗi nước mà quan trọng hơn, đó còn là mối liên kết góp phần thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tín ngưỡng thờ

Tại Lễ hội Hoa Lư, tín ngưỡng thờ được thể hiện ở nghi lễ Rước. Đây được coi là màn trình diễn ngoạn mục thể hiện sự nghênh tiếp Đức Vua và phô diễn sức mạnh cộng đồng. Nghi lễ Rước Đức Vua được tiến hành trang nghiêm, thành kính, linh thiêng. Các hoạt động sôi động trong lễ Rước với các nghi trượng như cờ, kiệu, lễ vật dâng cúng, chiêng, trống, lọng và dàn nhạc bát âm thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng. Trong lễ Rước, sức mạnh cộng đồng như được nhân lên gấp bội bởi người dân thấy ở đó chỗ dựa tinh thần để hướng về tổ tông, quê hương, thế giới tâm linh và về với thiên nhiên.

Ở Lễ hội Gion là tín ngưỡng thờ Linh hồn và Dịch thần, xuất hiện từ thời cổ đại, khoảng thế kỷ thứ VIII ở Heian (sau này là Kyoto). Theo tập tục, người dân cố đô cùng nhau thờ cúng và dâng lễ lên các vị thần vào Lễ hội Gion trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Chính niềm tin tôn giáo, sự tin tưởng vào cùng một thế lực siêu nhiên đã đem lại cho người dân nơi đây cảm giác gắn bó, nương tựa vào nhau để sống. Sự tự nguyện tham gia trong không khí vừa vui vẻ, trang nghiêm, vừa trần tục và linh thiêng của cư dân đã chứng tỏ sự gắn kết của cư dân trong cộng đồng đối với nhân vật lịch sử, nhưng lại mang đậm tính truyền thuyết.

Nhu cầu gắn kết sức mạnh cá nhân

Những điểm tương đồng trong lịch sử đã cho thấy, trong xã hội Việt Nam và Nhật Bản truyền thống có ba kiểu người tương ứng với hai ngành nghề khác nhau là nông dân với nghề trồng lúa nước, ngư dân với nghề đánh bắt thủy hải sản và thị dân. Ba đối tượng này đã tạo thành các cộng đồng tương ứng có sự cộng cư lâu dài, hình thành những lợi ích của các nhóm dân cư cùng cư trú và điều này thể hiện rõ nhất trong lễ hội truyền thống.

Ở Lễ hội Hoa Lư, vào đầu tháng Tư dương lịch hàng năm, cư dân Trường Yên tạm gác công việc hàng ngày và chia theo các nhóm, hội khác nhau dưới sự quản lý của chính quyền địa phương để tập trung cao độ vào việc chuẩn bị đồ lễ, công việc tế lễ, lễ rước nước (phần lễ) và hội tiết tập trận cờ lau (phần hội), xếp chữ Thái Bình, tế nữ quan… Hội phụ lão chuẩn bị cho việc hành lễ và tế lễ, đọc Cửu khúc tại đền thờ Vua Đinh. Hội phụ nữ tập dượt màn dâng rượu và tế nữ quan. Hội nông dân, thương binh, đoàn thanh niên phụ trách đội nhạc, kèn truyền thống và màn múa lân. Các cháu thiếu niên được lựa chọn đúng với tuổi của Vua Đinh thời đó (13 tuổi) tập trận cờ lau trình diễn trong ngày hội…

Còn tại Nhật Bản, cứ đến mùa Lễ hội Gion (tháng 7 dương lịch), những cư dân phố cổ Yama-Boko lại gắn kết với nhau trong một tổ chức có tên là “Hội phố” được điều hành bởi Hội phố trưởng do họ tự bầu ra. Các phố Yama-Boko liên kết với nhau thành “Hội liên hiệp các phố Yama-Boko lễ hội Gion” cùng bàn bạc cách thức tổ chức lễ hội, phân bổ nguồn kinh phí do họ tự đóng góp, phân công thứ tự rước kiệu trong lễ tuần hành. Họ dành cả tháng Bảy chuẩn bị các lễ hội nhỏ và lễ hội chính là Lễ tuần hành kiệu Yama và Hoko vào ngày 17/7. 32 cỗ kiệu (gồm 23 cỗ kiệu Yama và chín cỗ kiệu Hoko) được 32 phố cổ lưu giữ, bảo tồn, trang hoàng lộng lẫy để tỏa sáng ở lễ tuần hành. Mỗi phố trở thành một cộng đồng nhỏ - dồn sức cho cỗ kiệu với niềm tin tôn giáo, niềm tự hào về nghề truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ.


Lễ hội Gion (Nhật Bản).

Cùng sáng tạo và hưởng thụ văn hóa

Lễ hội truyền thống luôn gắn với niềm tin tín ngưỡng - vốn có nguồn gốc từ phương thức sinh sống của cộng đồng cư dân. Bên cạnh đó, sự gắn kết trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, niềm tự hào vì được chan hòa trong không khí vừa thiêng liêng vừa hứng khởi đã giúp các cư dân cùng được hưởng thụ các giá trị văn hóa và tâm linh. Khi đó, cách biệt xã hội giữa các cá nhân ngày thường dường như được xóa nhòa, con người cùng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mình. Đây chính là đặc trưng chung, cơ bản dễ nhận thấy nhất ở Lễ hội Hoa Lư và Lễ hội Gion.

Ở Lễ hội Hoa Lư, chúng tôi ghi nhận sự tự nguyện tham gia, tái hiện các nghi lễ mang đậm tính tín ngưỡng nhằm mong muốn thỏa mãn phần nào nhu cầu giao tiếp với “nhân vật thờ” (Đức Vua Đinh, Lê) của người dân địa phương và mong muốn trở về với văn hóa dân tộc, ngưỡng vọng “nhân vật thờ” siêu việt, cao cả, cùng tận hưởng giây phút thiêng liêng, được phô bày bản thân qua các cuộc thi tài, hình thức trình diễn nghệ thuật, nhất là được sống với tinh thần cộng đồng khác hẳn ngày thường của du khách tham quan.

Ở Lễ hội Gion, 32 cỗ kiệu tượng trưng cho 32 vị thần được thờ phụng như Aratenjin-yama thờ Thần Mưa, Yamabushi-yama thờ phái Sugendo, Taishi-yama thờ Thánh Đức Thái tử, Tsuki-hoko thờ Thần Mặt trăng, Kiku-hoko thờ Tiên nhân, Bành tổ, Hachiman-yama theo tín ngưỡng Bát phàm, Uchide-yama rước Thần công Hoàng hậu … cho thấy mỗi cộng đồng dân cư ở Kyoto từ lâu đã chọn cho mình vị thần mà họ tin tưởng sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc, bình an..., và cứ thế, họ thuộc về những cộng đồng tín ngưỡng riêng như vậy.

Thu hút các nguồn lực tài chính

Chi phí tổ chức Lễ hội Hoa Lư không chỉ dựa vào ngân sách của chính quyền các cấp mà phần nhiều dựa vào sự đóng góp tự nguyện của người dân cố đô Hoa Lư và các doanh nghiệp gắn bó mật thiết với vùng đất này. Ban Khánh tiết - những người tổ chức, quản lý lễ hội và các mạnh thường quân có vai trò quan trọng trong việc huy động tài chính, tổ chức, quản lý lễ hội diễn ra tốt đẹp. Nếu trong cuộc sống thường nhật các cư dân địa phương không tránh khỏi có những cạnh tranh ở mức độ khác nhau trong công việc làm ăn, việc này không tồn tại ở cố đô Hoa Lư vào lễ hội. Người dân đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi được cống hiến sức người, sức của cho lễ hội.

Đối với Lễ hội Gion, theo kết quả phỏng vấn của chúng tôi, chi phí tổ chức Lễ hội dựa hoàn toàn vào sự đóng góp tự nguyện của những người dân nơi đây. Gần đây, một số phố do có sự giảm dân số sinh sống tại địa phương, đã tiến hành pháp nhân hóa tổ chức của họ, đồng thời đăng ký quyền sở hữu cỗ kiệu Yama hoặc Hoko do khu phố họ chịu trách nhiệm bảo tồn, sau đó kêu gọi sự đóng góp từ các công ty trên địa bàn. Có thể nói, sự tự nguyện, tự chủ của người dân các phố Yama - Boko đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì và tổ chức Lễ hội Gion cho đến ngày nay.

Theo bề dày lịch sử, Lễ hội Hoa Lư (Việt Nam), Lễ hội Gion (Nhật Bản) chứa đựng bên trong nó những khát vọng, ước muốn mang tính tâm linh và trần tục của cộng đồng dân cư hai nước trong từng hoàn cảnh cụ thể, đồng thời còn là “sự biểu dương sức mạnh của cộng đồng”- sức mạnh của những giá trị mang đậm tính nhân văn. Nét tương đồng văn hóa giữa hai lễ hội không chỉ mang đến cho chúng ta trải nghiệm sâu sắc về sức lan tỏa của những giá trị đẹp đẽ đang tiếp tục truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà còn cho thấy rõ hơn mối liên kết văn hóa đang góp phần thắt chặt hơn tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trải nghiệm tương đồng trong lễ hội Việt - Nhật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO