Văn hóa

Trải nghiệm với công nghệ bảo tàng

Phạm Sỹ 11/04/2024 06:57

Với việc đổi mới và sử dụng công nghệ số, các bảo tàng đang mở ra một tương lai tươi sáng, nơi di sản văn hóa nghệ thuật được đánh thức và sống lại mạnh mẽ.

anhbaitren(5).jpg
Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: P. Sỹ.

Thổi hồn vào hiện vật

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày bảo tàng. Phần ứng dụng công nghệ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hầu hết tập trung vào phát huy những giá trị như hệ thống trưng bày 3D, số hóa một số bảo vật quốc gia và các chương trình ứng dụng khác… Đó là những ứng dụng công nghệ trong việc phát huy những giá trị sưu tầm của bảo tàng.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã thay đổi nhận thức, quan điểm tiếp cận đối với di sản văn hóa. Trong lĩnh vực bảo tàng, không chỉ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMusuem VFA với 9 ngôn ngữ. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt 3D tour, khách tham quan có thể trải nghiệm 360 độ hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng dù ở bất kỳ đâu. Chỉ trong 1 tuần, tour này đã thu hút gần 70.000 lượt trải nghiệm, trong khi đó thường Bảo tàng chỉ đón khoảng 70.000 khách tham quan/năm.

TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, từ kết quả đó, ý tưởng làm không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến, thiết kế các phòng trưng bày khác nhau, phù hợp với chất liệu, hình ảnh để họa sĩ lựa chọn, đăng ký đưa triển lãm lên không gian mạng, thay vì chỉ tổ chức tại phòng triển lãm thực.

Cùng với việc chuyển đổi số các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái hình thành bảo tàng thực tế ảo (VR), Bảo tàng còn mạnh dạn trong việc phối hợp với Công ty Sắc màu Hà Nội xây dựng và khai thác phần mềm thuyết minh tự động. Đây là bước đột phá về công tác giới thiệu các sưu tập hiện vật và nội dung trưng bày của Bảo tàng, là sản phẩm mới đem đến cho công chúng sự tiện ích, thuận lợi khi tìm hiểu, khám phá các di sản.

Ông Hoàng Tiến Long - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho rằng, trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng thì đòi hỏi bảo tàng cũng cần phải có sự đổi mới mọi hoạt động của mình, đặc biệt là các khâu tuyên truyền, quảng bá hoạt động thu hút khách tham quan, hướng tới phát triển du lịch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu công tác của bảo tàng nói chung, công tác tuyên truyền quảng bá nói riêng góp phần khẳng định vị thế của bảo tàng, khả năng hội nhập và thích ứng với xu thế phát triển chung của xã hội.

Nền tảng vẫn là nội dung

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình áp dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số cho bảo tàng, điều quan trọng nhất vẫn là sự chú trọng đến chất lượng nội dung, không chỉ đơn thuần là công nghệ mà đã được áp dụng.

Mặc dù công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo và truyền tải trải nghiệm cho khách tham quan, nhưng nội dung là yếu tố cốt lõi để tạo nên sự tương tác và gắn kết với người dùng. Điều này đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng vào việc nghiên cứu, thu thập và trình bày thông tin một cách hấp dẫn và sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, có những khách đánh giá rằng, xem trưng bày ảo thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại Bảo tàng thì không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này. Nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D, khách tham quan có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí, cũng như các thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn... Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bảo tàng ảo có thể thay thế được bảo tàng thực. Vì những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng là hiện vật gốc, chúng mang lại cảm xúc trực tiếp cho con người, từ đó khơi dậy những giá trị. Việc xây dựng chuyển đổi công nghệ số và bảo tàng thực là hai việc song song cùng tồn tại.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bảo tàng là rất cần, nhưng vẫn phải dựa trên trưng bày cơ bản tốt, nền tảng nội dung tốt. Nếu trưng bày cơ bản không tốt, tất cả những việc đó chỉ mang tính chất hình thức, tốn tiền. Câu chuyện không xúc động thì có dùng QR code cũng sẽ chỉ thành thứ mờ nhạt, chung chung, vô duyên. Khi các bảo tàng còn nghèo thì nên tập trung vào đổi mới nội dung trước khi triển khai công nghệ để thành bảo tàng thông minh. Bên cạnh đó, bảo tàng là phải có thông điệp, mỗi trưng bày, hiện vật là một câu chuyện, mỗi câu chuyện lại có một thông điệp, nhiều thông điệp nhỏ tạo thành thông điệp lớn. Và câu chuyện đó vừa là nghệ thuật kể chuyện bằng hiện vật, vừa áp dụng được công nghệ.

Còn bà Từ Thị Thu Hằng - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lưu ý, nếu chuyển đổi số quan trọng ở tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu thì trong lĩnh vực di sản văn hóa, vấn đề quan trọng chính là số hóa di sản, phổ cập giá trị di sản và sáng tạo các giá trị mới, sản phẩm văn hóa mới trên môi trường số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trải nghiệm với công nghệ bảo tàng