Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh trong quãng thời gian chừng 1,5 năm trở lại đây. Đáng nói là trong khi lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đang hạ thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vọt lên khá bất thường. Mô hình đầu tư này liệu có ẩn chứa nguy cơ rủi ro cao?
Để huy động vốn, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Ảnh: Quang Vinh.
Lãi suất khủng
Nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, vận tải biển đang đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để tăng vốn.
Số liệu thống kê cho biết trong 4 tháng đầu năm 2020, thị trường TPDN tiếp tục phát triển nhanh, đạt trên 58.000 tỷ đồng. Diễn biến thị trường cũng có một số điểm đáng chú ý. Đó là, nhóm DN bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu và trở thành nhóm huy động vốn lớn nhất trên thị trường, chiếm khoảng 49% tổng khối lượng phát hành. Lãi suất bình quân huy động của nhóm DN bất động sản cao hơn mức lãi suất bình quân chung của cả thị trường khoảng 1,5%/năm. Dư nợ phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản ở mức cao, một số DN ở mức rất cao, gấp từ 30 - 47 lần vốn tự có.
Chưa kể nhiều DN làm ăn thua lỗ nhưng vẫn phát hành TPDN để huy động vốn.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2020 của Công ty cổ phần chứng khoán IB, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 24,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty phát hành riêng lẻ 2.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị tương đương 200 tỷ đồng nhằm huy động vốn để đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay giao dịch ký quỹ, tăng quy mô vốn cho các hoạt động khác. Lãi suất được công bố lên tới 9,5%/năm.
Tương tự, quý I vừa qua Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt lỗ hơn 88,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng lưu ý, ở phần vay và nợ ngắn hạn tại ngân hàng giảm thì mức phát hành trái phiếu lại tăng lên 933,6 tỷ đồng. Cụ thể, cuối tháng 3, doanh nghiệp này thông báo tổng giá trị trái phiếu phát hành trong thời gian dự kiến tháng 2 và tháng 7 năm nay là 800 tỷ đồng. Lãi suất thực tế 9%/năm và 9,5%/năm.
Báo cáo mới đây của SSI cũng cho biết thị trường TPDN khá sôi động trong quý I dù còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành vẫn tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm các DN bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng cộng 23.202 tỷ đồng, chiếm tới 49% khối lượng phát hành toàn thị trường trong quý I/2020 và tăng 9,8%; nhóm ngân hàng chỉ phát hành 940 tỷ đồng (chiếm 2,3%).
Các DN đua phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số DN không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Điều này cho thấy nhiều DN đã khá lạm dụng trái phiếu để gọi vốn.
Nhiều doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Gọi vốn phải tính toán cụ thể
Trước tình hình thị trường nêu trên, để hạn chế rủi ro cho cả DN phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến nghị đối với DN có nhu cầu huy động vốn trái phiếu, phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, gắn với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu. Đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật, công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu, điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đảm bảo sự công khai, minh bạch của thị trường và việc doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.
Đối với nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến nghị cần phân biệt rõ phương thức phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ.
Đối với TPDN phát hành ra công chúng, DN phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng.
Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, DN chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu đồng thời công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua TPDN khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Theo thông lệ thì TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) cũng đã quy định TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao.Vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, mới nên mua TPDN riêng lẻ. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán…) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính.
Theo đó, nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành trái phiếu/tổ chức bảo lãnh, phân phối TPDN cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm: trái phiếu do DN nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của DN phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của DN phát hành.
Báo cáo mới đây của SSI cho biết, thị trường TPDN khá sôi động trong quý I dù đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lượng phát hành vẫn tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm các DN bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng cộng 23.202 tỷ đồng, chiếm tới 49% khối lượng phát hành toàn thị trường trong quý I/2020 và tăng 9,8%; nhóm ngân hàng chỉ phát hành 940 tỷ đồng (chiếm 2,3%).