Trước sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước, Đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, là người có nhiều năm gắn bó, phục vụ Đại tướng Lê Đức Anh từ năm 2003 đến nay đã có những chia sẻ về cuộc đời của một vị tướng tài ba, một chính khách hết lòng, hết sức phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người đang chỉ tay) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền Nam tại căn cứ Tà Thiết năm 1971. Ảnh: Tư liệu.
“Khi gặp Đại tướng Lê Đức Anh, tôi có cảm nhận đó là một người có tư duy cực kỳ sắc sảo với lối nghĩ biện chứng, hệ thống và ông có mẫn cảm về quân sự, chính trị rất đặc biệt. Về phong thái, ông cực kỳ điềm tĩnh, kể cả những việc tôi mạnh dạn đưa lên những ý kiến nói khác về ông, ông chỉ mỉm cười, từ tốn giải thích lại”- ông Hồ Sơn Đài mở đầu câu chuyện của mình.
Ông Đài nhớ lại, khi Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ vào chiến trường miền Nam Việt Nam, vấn đề đặt ra tại thời điểm lúc bấy giờ là ta có dám đánh Mỹ không? Nếu đánh có đánh được không? Nếu đánh được phải đánh bằng cách nào? Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với tư cách là Chính ủy Quân giải phóng miền Nam chỉ đạo thực hiện phương châm bám thắt lưng địch mà đánh, và sau đó Bộ Tư lệnh miền Nam, Quân ủy miền Nam phân công cho ông Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo tổ chức đánh Mỹ trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của chúng ở chiến trường miền Nam năm 1966-1967.
Bấy giờ, ông Lê Đức Anh đã có sáng kiến rất xuất sắc. Ông đề đạt với Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam chia chiến trường thành các tổ chức quân sự theo lãnh thổ nhỏ mà ở đó không có quân thì lấy các đơn vị cơ quan kháng chiến. Ví dụ như bệnh viện dân sự là huyện đội, cơ quan Trung ương Cục miền Nam là xã đội. Và ông mạnh dạn khui súng ở các kho cất giữ ra để trang bị cho những nhân viên quân sự chưa từng được huấn luyện chiến đấu bao giờ. Thực hiện điều này ông đã là vận dụng một cách sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân rất hiệu quả.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, Trung ương cử cán bộ vào miền Nam để phổ biến chủ trương của Trung ương, chấp hành nội dung của Hiệp định. Thế nhưng lúc đó, chính quyền Sài Gòn không thực hiện Hiệp định này, bằng việc tràn ngập lãnh thổ. Chúng ta liên tục mất đất, mất dân.
Ông Lê Đức Anh lúc đó với tư cách là Tư lệnh Quân khu 9, Chỉ huy lực lượng vũ trang đã xác định chúng ta phải luôn giữ thế tiến công, chủ động chặn đánh địch. Ông đã chỉ huy làm nên một trận lừng lẫy vào năm 1973 ở Chương Thiện, đánh bại hơn 70 tiểu đoàn của quân đội Sài Gòn. Chủ trương liên tục tấn công địch, chặn đánh địch sau Hiệp định Paris của ông lúc ấy không hẳn đã được nhiều người ủng hộ. Nhưng ông vẫn làm và thực tiễn đã chứng minh ông đúng. Thế nên Trung ương quyết định phong hàm từ đại tá lên Trung tướng cho ông.
Về nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giai đoạn từ 1987-1989. Năm 1982, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 07 về thực hiện chế độ của người chỉ huy, bỏ chế độ Đảng ủy trong quân đội. Khi được phổ biến nghị quyết này, ông cho rằng riêng quân tình nguyện vẫn thực hiện theo cơ chế cũ. Sau này thực tế đã chứng minh, khi bỏ chế độ Đảng ủy trong quân đội thì quân đội gặp nhiều khó khăn. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã phải ra Nghị quyết 27 để điều chỉnh lại Nghi quyết 07.
Có rất nhiều điều đặc biệt ở vị tướng Lê Đức Anh, nhưng trên hết ông là vị tướng của nhân dân. Như việc ông để hộ lý, nhà báo, bác sỹ cầm súng và sau này họ đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ là việc không ai dám làm. Ông luôn tin vào tính đúng đắn trong đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc của Đảng ta và ông đã vận dụng nó một cách sáng tạo, với niềm tin tuyệt đối vào cấp dưới, vào nhân dân. Cho nên ông đã thành công trong việc chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích phát triển.
Năm 1986 khi ông rời nhiệm vụ Tư lệnh quân tình nguyện, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia về nhậm chức Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì đó cũng là thời điểm đất nước rất khó khăn. Lạm phát lên tới gần 800%. Trong khi đó chúng ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông Lê Đức Anh đã đề xuất một chủ trương: Phải điều chỉnh lại cách bố trí chiến lược và phòng thủ đất nước, bằng cách sắp xếp lại các đơn vị, giãn các sư đoàn quân chủ lực ở biên giới về phía sau, tạo nên các quả đấm chủ lực. Ông tin tưởng vào nhân dân, quân du kích tại chỗ. Nhân dân sống trong ngôi nhà, ngôi làng của mình. Có ai lại giữ nhà, giữ làng như chính những người đang sống ở đó hay không? Khi đưa ra chủ trương này chứng tỏ ông rất trọng dân, tin dân.
Một việc làm nữa cũng hết sức táo bạo của ông, đó là giảm quân, không thể duy trì lực lượng quá lớn nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách và lấy ra một lực lượng lao động sung sức về tham gia lao động, sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho đất nước. Chúng ta đã tiến hành giảm tới 60% quân trong vòng hơn 3 năm từ năm 1986 - 1989. So sánh việc đó với việc tinh giản biên chế thời bây giờ mới thấy ông là người quyết đoán thế nào. Giảm quân nói dễ làm không dễ, ông đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Thế nhưng, vì sự nghiệp của đất nước, vì lợi ích của nhân dân ông mới có quyết định táo bạo như vậy, để tạo điều kiện cho bộ đội về với dân.
Nhưng giảm quân không cắt một cách cơ học. Ai đủ tiêu chuẩn đều được đi lao động hợp tác nước ngoài. Ông báo cáo Ban Bí thư bàn với Quân ủy Bộ Quốc phòng lấy đất quốc phòng mà dư ra cấp đất, cấp nhà cho bộ đội, trên cơ sở họ đã dốc lòng cho đất nước thì họ phải được hỗ trợ một phần cuộc sống. Thay đổi đời sống của những người đã cống hiến cho quân đội, đây là việc làm vô cùng nhân văn.
Trong chính sách hậu phương quân đội, trong quá trình công tác ông từng gặp những hộ gia đình neo đơn cuộc sống rất khổ, chồng và con mất rồi giờ không ai nuôi. Từ đó ông chỉ đạo 2 việc, đó là xây nhà tình nghĩa và phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng nghìn bà mẹ được phong tặng danh hiệu này đã được đãi ngộ riêng biệt, có người chăm sóc, có các đơn vị quân đội, tổ chức dân sự nhận phụng dưỡng khiến cuộc sống của các bà, các mẹ đã bớt khó khăn hơn.
“Đó chính là tư tưởng vì dân, trái tim suốt đời đập vì dân của Đại tướng Lê Đức Anh”- Đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài xúc động nói.