Một trái tim để giải quyết, một cái đầu để xếp đặt và một bàn tay để thực hiện”- Edward Gibbon (1737-1794).
Để trả lời cho câu hỏi: Con người và động vật cao cấp khác nhau ở chỗ nào, đã có 2 câu trả lời mang tính bước ngoặt.
Câu trả lời thứ nhất: Loài người so với loài vượn người, tinh tinh, đười ươi, khỉ, vượn rất giống nhau ở những điểm sau: Có các cơ quan nội tạng ở trong khoang ngực, trong khoang bụng, trong hộp sọ rất giống nhau. Có máu đỏ chảy trong hệ tuần hoàn. Thở bằng phổi. Có vui, buồn, tức giận. Có sinh con đẻ cái. Có thể đi bằng hai chân, người đứng thẳng, sử dụng hai tay khéo léo để hái quả, bế con, đánh nhau. Khác nhau giữa loài người và động vật cao cấp là: Loài người biết đào đất để chôn cất đồng loại khi chết và biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động để sản xuất ra của cải vật chất. Còn loài vật không biết chôn cất đồng loại và cũng không biết chế tạo ra công cụ lao động.
Câu trả lời thứ hai: Loài động vật cao cấp chỉ có một trái tim bơm máu, còn loài người có hai trái tim trong lồng ngực: Đó là trái tim bơm máu và trái tim yêu thương. Trái tim bơm máu dùng để nuôi cơ thể, trái tim yêu thương dùng để nuôi dưỡng tâm hồn con người. Trái tim bơm máu với thời gian có thể bị tổn thương, có thể bị hẹp, hở van hai lá, van ba lá, có thể bị nhồi máu cơ tim, suy tim. Vì thế, suốt cả cuộc đời ta phải chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng đỡ trái tim như một ngạn ngữ cổ của người Thụy Điển đã viết: “Trái tim con người đập những nhịp đầu tiên khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ và đập những nhịp cuối cùng trước khi giã từ cuộc sống” (Le cœur de l'homme est la première chose qui s'agite dans le sein de sa mère et la dernière qui meurt en lui). Còn trái tim yêu thương không bao giờ bị tổn thương trừ phi chính người mang trái tim ấy tự làm hỏng, tự hủy hoại, tự phá bỏ trái tim yêu thương của mình.
Bài viết này trích dẫn những danh ngôn bàn luận về trái tim thứ hai tức là trái tim yêu thương của con người.
Đại thi hào François René de Chateaubriand (1768–1848) đã có một cái nhìn rất tài tình về trái tim con người khi ông viết: “Tim ta là một nhạc cụ không đầy đủ, một cây đàn thất huyền thiếu dây và với trái tim, ta buộc phải tự diễn tả nỗi vui mừng, lời than thở bằng những ngôn ngữ riêng” (Notre cœur est un instrument incomplet, une lyre où il manque des cordes et où nous somme forcés de rendre les accents de la joie sur le ton consacré aux soupirs). Như thế, trái tim con người lúc sinh ra chưa đầy đủ, hàng ngày, hàng giờ ta phải bổ sung, phải nuôi dưỡng để trái tim ngày càng hoàn thiện, ngày càng yêu thương gắn bó với những trái tim khác, với những số phận khác nhiều hơn. Đây là một quá trình tích cực, có tu dưỡng, có phấn đấu, có gian khổ để hình thành một trái tim nhân ái, một trái tim chỉ huy toàn bộ suy nghĩ và hành động của mỗi con người.
Phát biểu về tầm quan trọng của trái tim, cả từ Đông sang Tây, cả từ Cổ chí Kim đều thống nhất như nhau. Một ngạn ngữ cổ phương Đông khẳng định: “Con người vững bền được nhờ ở trái tim, cây cao vững bền được nhờ ở bộ rễ vững chắc” (Nhân kháo hữu tâm, thụ kháo hữu căn). Trái tim không tốt đẹp, không nhân hậu ắt không có được cuộc sống ngay thẳng, vững vàng. Chả thế mà học giả phương Tây Bulwer Lytton (1803–1873) đã đánh giá rất cao giá trị của một trái tim nhân hậu khi ông viết: “Một trái tim nhân hậu còn tuyệt diệu hơn hàng trăm bộ óc trong thế gian” (A good heart is better than all heads in the world). Lịch sử loài người cũng đã chứng minh những nhà chính trị thiên tài để lại danh tiếng ngàn thu đều là những nhà triết học tài ba có những trái tim nhân hậu biết xót thương những người cùng khổ, những mẹ góa, con côi, những người tàn tật, neo đơn... nên đã được nhân dân ủng hộ hết lòng. Những triều đại do các vị đó đứng đầu kéo dài hàng trăm năm hoành tráng trong lịch sử nhân loại.
Học giả Edward Gibbon (1737-1794) nói rõ hơn, cụ thể hơn vai trò của trái tim: “Một trái tim để giải quyết, một cái đầu để xếp đặt và một bàn tay để thực hiện” (A heart to resolve, a head to contrive and a hand execute). Xin hãy theo dõi câu chuyện dưới đây để minh họa cho nhận xét của Gibbon. Em A 15 tuổi bị chó cắn. Mẹ em vội đưa đến bác sĩ B để khám. Ông B nhìn sơ qua, ghi giấy cho đi tiêm chủng phòng chó dại. Có người tư vấn: Tiêm chủng cũng có khi bị biến chứng, nhất là em A hãy còn nhỏ tuổi. Mẹ em vội đưa em đến bác sĩ C vốn là người nhân hậu, có lòng thương người. Bác sĩ C ôn tồn dặn người mẹ: Bà về theo dõi con chó xem nó có ăn uống đi lại bình thường không, nếu thấy nó có thay đổi gì thì đến báo cho tôi ngay. Tạm thời ông chỉ sát trùng, lau sạch vết thương ở chân cho cậu bé, chưa xử lý gì vội. Quả nhiên sau 3 ngày, con chó vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Em A không phải tiêm gì hết, tránh được một rủi ro có thể xảy ra cho em nếu tiêm nhiều mũi phòng dại.
Qua thí dụ về người bác sĩ có y đức, có lòng thương người kể trên đã chứng minh: Trước một sự cố xảy ra, những người có trái tim nhân hậu giải quyết một cách có lương tâm, có trách nhiệm hơn cách giải quyết của những người vô tâm, tắc trách, qua loa, chỉ cốt cho xong việc. Đúng như ông Gibbon đã viết, từ cách giải quyết đúng đắn của trái tim yêu thương, ta mới có cái đầu để sắp xếp công việc, rồi mới ra lệnh cho cái tay thực hiện. Trái tim chính là người chủ, người chỉ huy mọi hoạt động đúng đắn của con người.
Văn hào Anh Charles Churchill (1731–1764) yêu cầu một con người lương thiện cần có là: “Một trái tim để thương xót và một bàn tay để ban phát cho mọi người” (A heart to pity and a hand to bless).
Cao quý thay những ý tưởng tốt đẹp, những lời dạy cao minh của các bậc tiền bối đã giúp con người mãi mãi hiểu rằng: Chỉ có trái tim yêu thương, trái tim nhân hậu mới thực sự là động lực giúp cho loài người phát triển và tiến bộ.
Như vậy, trong phép tu tâm, dưỡng tính trong quá trình học làm người nên bắt đầu từ đâu và nên lấy việc gì làm trọng yếu? Câu sau đây của Mạnh Tử (372–289 TCN) được coi là kim chỉ nam cho tất cả những ai muốn tự nâng cao, muốn tự hoàn thiện cuộc đời mình, đó là: “Muốn nuôi cái tâm tốt đẹp thì không gì hơn là ít ham muốn trong lòng” (Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục). Đây là bài thực hành khó nhất, gian khổ nhất trong sách giáo khoa “Học làm người”. Đây là tâm bão khủng khiếp nhất, tàn bạo nhất, hủy diệt nhất trong cơn lốc xoáy của mỗi một cuộc đời con người chúng ta. Chả thế mà đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng chỉ dạy: “Nếu tâm không có bệnh thì sao thân có bệnh được”, tức là nếu tâm ta bình an, trái tim ta khỏe mạnh làm lá chắn vững chắc nhất, mọi bệnh tật không thể tấn công. Và, có lẽ cái lòng ham muốn của con người mà Mạnh Tử đề cập tới cũng chính là kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất đối với con người như lời dạy của một trong những triết gia phương Tây cổ đại lớn nhất của nhân loại là Publilius Syrus (thế kỷ I TCN) khi ông viết: “Kẻ thù lớn nhất của đời bạn nằm sẵn ngay trong trái tim bạn” (Notre pire ennemi se cache dans notre cœur). Để đánh giá ngắn gọn nhất về trái tim yêu thương của mỗi con người, cần trích dẫn nhận xét sau đây của học giả Al-Gazal (thế kỷ VII SCN): “Trái tim bạn sẽ mách bảo bạn những gì mà đôi mắt bạn không nhìn thấy được” (Le cœur perçoit ce que l'œil ne peut voir).
Cũng nhờ có sự mách bảo của trái tim nhân hậu mà một buổi sáng đẹp trời kia, một nhạc sĩ đã vui mừng thông báo: “Và con tim đã vui trở lại”, một thi sĩ đã phấn khởi báo tin: “Đông sẽ về trên má/ Nhưng hè nằm trong tim”, nhà triết học lại phấn chấn viết bài ca ngợi “Những trái tim bất tử”. Trái tim có bất tử thật không? Có đấy! Đó là những trái tim lương thiện của những con người lương thiện sống trọn vẹn trong những cuộc đời lương thiện.