Lễ hội vật cầu nước làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) được tổ chức từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Lễ hội thuộc tín ngưỡng dân gian thờ Thần Mặt Trời của người nông dân vùng đất này từ thời cổ xưa còn truyền lại. Đây còn là trò chơi mang nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội vật cầu nước được tổ chức trên sân đền thờ Thánh Tam Giang, diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống. 16 trai làng đóng khố, cởi trần được tuyển chọn tham gia vật cầu nước gọi là quân cầu, chia làm 2 giáp (giáp Thượng và giáp Hạ), mỗi giáp 8 người. Lễ hội vật cầu nước thu hút đông đảo người dân tỉnh Bắc Giang cùng du khách tới cổ vũ. Thậm chí hết chỗ người dân còn phải trèo lên cây để cổ vũ. Quả cầu được đặt ở giữa sân, các thanh niên trai tráng tranh giành quả cầu làm sao để đưa được quả cầu về hố đối phương ở cuối sân. Quả cầu làm bằng gỗ lim, đường kính 35 cm, nặng khoảng 20 kg tượng trưng cho mặt trời. Khi thi đấu, cướp được cầu mang ý nghĩa là cướp được Mặt trời, cướp ánh sáng cho cây trồng. Những pha giằng co kịch tích của các quân cầu. Nhiều người dân sử dụng điện thoại lưu lại những hình ảnh đẹp tại lễ hội. Phía ngoài sân, cổ động viên liên tục hét hò để cổ vũ. Ngày 13/5/2022, lễ hội vật cầu nước làng Vân đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ đó, làng rút ngắn thời gian tổ chức từ 4 năm xuống còn 2 năm một lần. Việc tuyển chọn quân cầu rất khắt khe, phải là trai tráng khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án thì mới được thi đấu. Theo quan niệm của người dân, các quân cầu càng nhiều bùn trên người càng có nhiều may mắn. Các quân cầu sẽ dùng mọi cách để cướp được cầu và tấn công đối thủ để ghi điểm.