Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?

Nguyễn Hoài 07/04/2022 07:23

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh tự tử khiến nhiều người bàng hoàng. Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng nhiều trẻ em có dấu hiệu căng thẳng, trầm cảm, dẫn tới tự giải thoát bằng biện pháp tiêu cực có chiều hướng gia tăng. Làm thế nào để những vụ việc đau lòng, đáng tiếc tương tự không lặp lại?

Thầy cô nên dành nhiều thời gian quan tâm, động viên học sinh nhiều hơn để mỗi ngày các em đến trường đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều áp lực đè nặng lên vai học sinh

Vào cuối tháng 3, một nữ sinh lớp 9 ở một chung cư tại quận Hai Bà Trưng rơi từ tầng 26 của tòa nhà xuống đất tử vong. Cũng thời điểm đấy, một nữ học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Nguyên nhân của các em tự tử đều liên quan đến áp lực học hành, thi cử.

Tọa đàm “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?”

Chứng kiến những câu chuyện vô cùng đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học đường, làm thế nào để giúp con chúng ta vượt qua được những trạng thái cảm xúc tiêu cực đang là câu hỏi được đặt ra với nhiều vấn đề về trách nhiệm của giáo dục, của nhà trường, gia đình và xã hội. Để trả lời cho câu hỏi đó, ngày 7/4, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?”.

Tham dự buổi toạ đàm, về phía khách mời có sự tham gia của: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam; Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai); Nhà văn Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn của Báo Hoa Học Trò) - chuyên gia tư vấn tâm lý cho tuổi mới lớn; Diễn viên Thu Quỳnh - vai nữ chính trong phim truyền hình “Về nhà đi con”; Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn - người nổi tiếng với chương trình Cửa sổ tình yêu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, diễn ra vào lúc 9h thứ Năm, ngày 7/4/2022 và được truyền hình trực tiếp trên Báo Đại Đoàn Kết điện tử (daidoanket.vn).

Mới đây, đầu tháng 4 cũng xảy ra sự việc một nam sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu quyên sinh. Trong bức thư cuối cùng mà nam sinh này để này, cậu bé viết, đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập cũng như không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phía bố mẹ. Trước áp lực học hành ấy, cậu bé đã dại dột tìm đến cái chết.

Trong khi nhiều người chưa hết ám ảnh về vụ việc đau lòng trên thì chỉ cách đó vài ngày, vào ngày 4/4, tại chung cư The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông) cũng lại xảy ra vụ việc thương tâm khi một học sinh cấp 2 rơi từ căn hộ cao tầng xuống tử vong.

Liên tiếp những tin buồn về việc học sinh không thể vượt qua áp lực cuộc sống khiến chúng ta không khỏi xót xa. Áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn của các bậc làm cha, làm mẹ đang đè nặng lên vai nhiều đứa trẻ, khiến các em rơi vào trầm cảm, dẫn đến tự giải thoát bằng biện pháp tiêu cực.

Chứng kiến những vụ việc đau lòng trên, trên cương vị một giáo viên, dù không trực tiếp nhưng ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) vô cùng trăn trở và cảm thấy bản thân có một phần trách nhiệm trong đó.

Theo ông Bình, trong bối cảnh hiện nay, học sinh phổ thông đang sống giữa môi trường chịu nhiều áp lực khác nhau.

Áp lực đó đến từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Về phía gia đình, không ít cha mẹ đặt kỳ vọng, mong muốn của bản thân vượt quá năng lực của con cái. Có em cũng chịu áp lực từ chính mâu thuẫn trong gia đình.

Về phía nhà trường, dù đã có những thay đổi tuy nhiên ông Bình cho rằng, tình trạng quá quan tâm tới việc dạy chữ là một thực tế đang tồn tại.

Tức là, trường học đang tập trung lớn vào các kỳ thi thay vì chuẩn bị cho các em tất cả các điều kiện, kiến thức, kỹ năng cho các em tự tin bước vào cuộc sống. Một bộ phận giáo viên chỉ tập trung vào mặt kiến thức mà ít lắng nghe, chia sẻ với những trăn trở của học sinh.

Mặt khác, ông Bình nhìn nhận: “Ở tuổi vị thành niên, các em thay đổi về tâm sinh lý. Trong khi đó, mạng xã hội đang có quá nhiều thông tin xấu, độc, thậm chí có cả hội nhóm khuyên học sinh tự tử. Điều này tác động rất lớn tới nhận thức dẫn tới những hành động lệch lạc ở lứa tuổi này”.

Học sinh Trường Tiểu học – THCS - THPT Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) tham gia các hoạt động học tập thể chất khi quay lại trường. Ảnh: Quang Vinh

Cha mẹ, nhà trường cùng thay đổi

TS. BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, ở trẻ vị thành niên, vấn đề rối loạn lo âu trầm cảm khá phổ biến. Ước tính tỷ lệ này chung trong dân số là 25% thì ở trẻ vị thành niên là 20%. Chuyên gia này cảnh báo, trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm chết người và chúng ta cần phải quan tâm và hiểu đúng về chứng bệnh này.

Bên cạnh vai trò của cha mẹ, ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng, nhà trường, thầy cô cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông Bình nhìn nhận, giáo dục của chúng ta chưa chú trọng đến “phần hồn”, ở đây là tâm lý, tinh thần của học sinh.

Theo kinh nghiệm của ông Bình, ở nước ngoài, số lượng giáo viên tâm lý rất đông đảo, trung bình cứ 200-300 học sinh có 1 giáo viên tâm lý. Trong khi nhiều trường học ở Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mức tới phát triển phòng tham vấn tâm lý học đường. Vậy làm sao để giúp những đứa trẻ vượt qua những trạng thái, cảm xúc tiêu cực?

Ông Bình nêu quan điểm, mỗi một đứa trẻ khi sinh ra học tập và phát triển bình thường là điều hạnh phúc. Vì vậy, bố mẹ nên lắng nghe con nói lên suy nghĩ của mình, tôn trọng mong muốn của con. Còn trường học, mục tiêu hướng tới là giáo dục phát triển toàn diện phù hợp năng lực người học, thế nên nhà trường, thầy cô nên thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục. Thầy cô nên dành nhiều thời gian quan tâm, động viên học sinh nhiều hơn để mỗi ngày các em đến trường đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Ông Bình nhấn mạnh: “Thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực học tập lên đứa trẻ, cha mẹ, thầy cô cần dạy con trở thành công dân tốt, yêu gia đình, yêu bản thân; cần chỉ ra cho các con thấy có nhiều con đường dẫn tới thành công khi các con chăm chỉ lao động, làm việc, hướng tới cuộc sống ổn định tốt đẹp, trân trọng nhưng gì đang có”.

Ông Nguyễn Đình Sơn - chuyên gia tâm lý vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội: Tạo môi trường học đường thân thiện

Những nguyên nhân khiến học sinh bị trầm cảm đến từ những lĩnh vực học tập, vui chơi và tương tác với gia đình, bạn bè, thầy cô cùng với tương tác với mạng xã hội.

Để tránh cho học sinh trầm cảm chúng ta cần phải lựa chọn vai diễn với phương pháp phù hợp như Albert Einstein đã từng nói: “Thật ngu ngốc khi lặp đi lặp lại hành động cũ và đòi kết quả mới”.

Giải pháp phòng tránh là cha mẹ nên nhập vai mỗi ngày. Ví dụ như: Sáng sớm cha hoặc mẹ nhập vai người hướng dẫn khi giáo dục về nhận thức. Với trẻ ở bậc tiểu học, cha mẹ là vai giáo viên nhưng khi con bước vào tuổi THCS thì vai đó lại là vai giám sát động viên. Khi các con còn bé, các con có những giấc mơ khi chìm vào giấc ngủ, cha mẹ nên vào vai là những người kể chuyện cho tới khi các con lớn lên, cha mẹ trở thành những người khích lệ, gợi mở.

Tương tự, giáo viên từng cấp học học cũng sẽ vào nhiều vai người khích lệ học sinh theo từng lứa tuổi. Khi bước vào giờ học, thầy cô hãy tạo bầu không khí học tập. Rồi tiếp đó học bước vào đến 3 vai hay 4 vai với cấp độ hướng dẫn khác nhau như huấn luyện - kèm cặp - khích lệ cố vấn.

Trong bối cảnh gia tăng tình trạng nhiều trẻ bị áp lực lực, tâm lý trầm cảm như hiện nay, tôi cho rằng, trường học cần quan sát nhận biết dấu hiệu sớm trong các hoạt động chia sẻ với học sinh và phụ huynh để giải tỏa ức chế, cần trang bị kỹ năng tâm lý thực hành ứng dụng cho thầy cô và có thể tạo một mô hình mới “open school” qua kênh tương tác giúp học sinh có thể chia sẻ dễ dàng. Muốn tạo môi trường học đường thân thiện cần triển khai cả bề rộng qua các hoạt động. Hiện nay công tác này còn thiếu bề sâu kết nối vai trò học sinh - giáo viên và gia đình.

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội): Nhà trường giúp học sinh giảm nỗi đau về tâm lý

Sức khỏe tâm thần học đường là một thuật ngữ được đề cập nhiều những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các vấn nạn tâm lý học đường nghiêm trọng và đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, trong trường học, khi nói đến sức khỏe tâm thần, không ít người nghĩ đến những trường hợp học sinh có vấn đề rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động... mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả trẻ em và người trưởng thành. Nhận thức sai lầm sẽ khiến cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc không đúng, làm vấn đề trầm trọng thêm.

Trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần. Để giúp học sinh vượt qua những trạng thái cảm xúc tiêu cực, nhà tâm lý trường học cần giúp các em hiểu rõ những khó khăn và chấp nhận các biện pháp điều trị và tạo ra một môi trường an toàn; giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn học.

Hoài Nguyễn (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?