Thời điểm cuối năm, lĩnh vực xuất bản, nạn sách giả lại bùng phát qua các kênh trực tuyến. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn nhưng vẫn chưa hạn chế được vấn nạn này.
Tuần qua, một nhà văn ở TPHCM đã lên mạng xã hội bức xúc kể lại câu chuyện bị lừa mua sách giả. Lập tức, câu chuyện của ông nhận được nhiều phản hồi từ người dùng mạng xã hội khác cùng chung cảnh ngộ “tiền mất tật mang” với niềm đam mê đọc sách.
Trước đó, tại Sóc Trăng, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 40.155 quyển sách các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Công an TP Đà Nẵng đã triệt xóa đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn tại thành phố. Cơ quan Công an đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, trị giá khoảng 12 tỷ đồng…
Trong năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ làm giả sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cụ thể, cuối tháng 5/2024, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện lô hàng gần 34.000 cuốn sách giáo khoa nghi giả mạo sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tổng giá trị hơn 600 triệu đồng.
Những loại sách thường bị in lậu là sách giáo khoa, tham khảo, sách giáo trình; sách dạy và học ngoại ngữ; sách văn học; sách phổ biến kiến thức, pháp luật... nhiều năm qua, sách giáo khoa, sách tham khảo của các nhà xuất bản cũng luôn là một trong những loại sách bị làm giả với số lượng lớn.
Nhiều chuyên gia và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản cho rằng, vấn nạn sản xuất, buôn bán sách giả là câu chuyện thực sự nhức nhối trong nhiều năm qua, gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành xuất bản. Trong đó, các nhà xuất bản, tác giả và người đọc là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Không chỉ có trên kệ sách, sách giả và sách lậu hiện nay còn lan tràn trên các sàn thương mại điện tử. Những kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội và trang web thường cung cấp sản phẩm có hình thức giống sách thật đến 95%, khiến việc nhận diện trở nên khó khăn. Thêm vào đó, giá của sách lậu chỉ bằng 2/3 so với sách chính thống, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các cơ sở in ấn trái phép.
Còn trên mạng xã hội Facebook, gõ từ khóa “mua bán sách giá rẻ”, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều hội nhóm có hàng trăm nghìn thành viên. Trong đó, nhiều đầu sách “hot” trên thị trường được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 - 80% với lý do thanh lý, xử lý hàng tồn… nhưng mức giá hời là yếu tố hấp dẫn nhiều độc giả.
Nếu truy cập vào một số fanpage bán sách như “Sách giá rẻ”; “Sách giảm giá”... sẽ thấy nhiều cuốn sách hay đã được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 - 80%. Ngoài việc giảm giá sâu, người bán còn tạo các combo hấp dẫn như: mua 4 cuốn tặng 1; mua 6 cuốn freeship...
Chia sẻ về vấn nạn sách giả tác động xấu đến người đọc, nhà văn Phụng Thiên cho rằng, khi mua phải sách giả, người đọc phải chấp nhận một sản phẩm kém cả về hình thức lẫn chất lượng. Những ấn phẩm này thường là chất lượng rất thấp. Nhiều cuốn sách giả không trải qua quá trình biên tập hoặc thẩm định nội dung, thậm chí chứa đựng nhiều thông tin vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin và tri thức của độc giả.
“Một số cuốn sách giả còn bị sai lệch từ nội dung, hình ảnh cho đến chất lượng mực, giấy in, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tri thức của người đọc” - nhà văn Phụng Thiên nói.
Có thể thấy, sách giả và sách in lậu không chỉ vi phạm Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ, mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý và văn hóa đọc của độc giả do chất lượng kém và nhiều sai sót. Vì vậy, độc giả nên thận trọng trong việc lựa chọn khi mua hoặc đặt hàng trực tuyến để tránh rơi vào bẫy hàng giả hoặc sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.