Đợt lũ lụt do mưa xối xả liên tiếp ở nhiều bang của bán đảo Malaysia vào cuối tuần qua đã phơi bày thực tế về các hình thái thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.
Trận lũ lụt ‘trăm năm có một’
Nhà bảo vệ môi trường Renard Siew nói rằng lũ lụt tấn công một số bang Malaysia, bao gồm Selangor, Negeri Sembilan, Kelantan, Pahang, Melaka và Terengganu vào ngày 17 và 18/12 là một ví dụ rõ ràng nhất về một sự kiện thời tiết không thể dự đoán trước do phát thải carbon cao.
Trận lụt tấn công 8 bang trong đợt mưa lũ năm nay đã khiến hơn 41.000 người phải sơ tán đến các nơi trú ẩn, trong đó Selangor là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đã có ít nhất một người chết và 10 người đã mất tích.
Tiến sĩ Siew, cố vấn về biến đổi khí hậu cho Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Quản trị (Cent-GPS), một công ty nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi có trụ sở tại Malaysia, giải thích: “Khi chúng ta thải carbon dioxide vào khí quyển, điều này sẽ tạo ra ‘hiệu ứng thấm toàn cầu’, nơi khí nhà kính giữ nhiệt và tồn tại trong điều kiện ấm hơn, bầu khí quyển có thể giữ nhiều hơi nước và độ ẩm hơn”.
“Khi có hiệu ứng tích tụ, tác động lâu dài của điều này chính là những trận mưa như trút nước bất ngờ xảy ra ở một số khu vực cục bộ nhất định và đó là những gì bạn đã thấy trong trận lũ lụt ở Malaysia vài ngày qua”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Siew cho biết, gió mùa đông bắc hay xảy ra ở Malaysia trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3, và thường tác động đến bờ biển phía đông của bán đảo. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng lũ lụt năm nay cũng ảnh hưởng đến các khu vực ở trung tâm bán đảo cũng như bờ biển phía tây: “Các nhà khí hậu học ngày càng khó dự đoán thời tiết với mức độ chính xác cao hơn do tác động từ biến đổi khí hậu”.
Chính phủ Malaysia đã nhấn mạnh trận lũ lụt này là sự kiện ‘trăm năm mới có một lần’. Nhưng trong những năm qua, Malaysia đã chứng kiến rất nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy xảy ra trên khắp Trung Quốc, Đức và Mỹ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Haliza Abdul Rahman, giảng viên môi trường tại Đại học Putra Malaysia cho biết: “Biến đổi khí hậu đã dẫn đến những thay đổi lớn về hình thái thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa”.
Vào tháng 8, một trận lũ quét bất ngờ ở chân núi Gunung Jerai ở Yan, Kedah đã cướp đi sinh mạng của 6 người dân. Tháng 7 và tháng 8, lượng mưa quá mức được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác, trong đó có tỉnh Hà Nam ở Trung Quốc, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến lũ lụt và lở đất lớn, khiến hàng trăm người thiệt mạng và thiệt hại lớn về tài sản.
“Tôi muốn nói rằng biến đổi khí hậu là một yếu tố chính dẫn đến lượng mưa lớn kéo theo tình trạng lũ lụt tại Malaysia gần đây. Trận lụt đã được gọi là ‘trăm năm có một’, nhưng có lẽ, nhiều sự kiện như vậy sẽ còn tái diễn trong những năm tới”.
Trong một cuộc họp báo, Tổng thư ký Bộ Môi trường và Nước Malaysia (KASA), Tiến sĩ Zaini Ujang lo ngại: “Lượng mưa hàng năm ở Kuala Lumpur là 2.400 mm và điều này có nghĩa là lượng mưa của những trận mưa vừa rồi đã vượt qua lượng mưa trung bình trong 1 tháng. Đó là một điều ngoài sức tưởng tượng và chỉ xảy ra 100 năm một lần”, Bernama dẫn lời Tổng thư ký Bộ Môi trường và Nước (KASA) Zaini Ujang.
Ông nhấn mạnh rằng nguyên nhân trực tiếp của sự kiện này là do các yếu tố dòng chảy gió mùa và hệ thống thời tiết áp thấp đạt cấp độ của một áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông.
Ứng phó thiên tai tốt hơn trong tương lai
Tiến sĩ khí tượng học Azizan Abu Samah của Đại học Malaya tin rằng, nguyên nhân của trận lũ lụt ở Malaysia là sự tương tác giữa hệ thống thời tiết áp thấp, gió mùa đông bắc theo mùa và tàn dư từ siêu bão Rai đã tàn phá Philippines.
Ông kêu gọi chính phủ Malaysia cải thiện hệ thống cảnh báo sớm để các sự kiện lũ lụt lớn trong tương lai có thể được xử lý tốt hơn, đồng thời cho rằng các nhà chức trách có thể đã dự đoán được trận lũ lụt sẽ xảy ra và lẽ ra phải xử lý tốt hơn nữa.
Ví dụ, vào ngày 17/11, Ban thư ký bang Selangor đã đưa ra cảnh báo rằng bang sẽ phải đối mặt với một lượng mưa lớn vào tháng 11 và tháng 12, đồng thời kêu gọi chính phủ Malaysia chuẩn bị cho việc này.
“Thảm họa chỉ xảy ra khi bạn không lập kế hoạch cho nó”, Tiến sĩ Azizan nhấn mạnh.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob trước đó bày tỏ sửng sốt trước tình trạng lũ lụt nghiêm trọng. Ông cam kết hỗ trợ những người bị ảnh hưởng và chi 23,7 triệu USD để sửa chữa nhà cửa cùng hạ tầng bị hư hỏng, đồng thời nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong việc chuyển phát lương thực và viện trợ cho những người bị mắc kẹt.
Về việc giảm thiểu tác động của những trận lũ lớn như vậy do biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Haliza thuộc Đại học Putra Malaysia nhấn mạnh rằng Malaysia không thể làm điều đó một mình: “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là một nỗ lực toàn cầu nhưng Malaysia phải đẩy mạnh các nỗ lực phát triển bền vững”.
Bang Selangor đông dân đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lụt chính là một “bài học tốt” cho các cơ quan chức năng của bang hiện nay tập trung vào nỗ lực duy trì rừng, xây dựng các công trình bền vững và khuyến khích công chúng tuân thủ đạo đức môi trường”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Siew của Cent-GPS lại cho rằng Malaysia nên sử dụng thảm họa này làm động lực để tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải và ngăn chặn mạnh mẽ nạn phá rừng.