Tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với tăng trưởng huy động, khiến thanh khoản hệ thống khả năng không còn dư thừa nhiều. Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, điều này dẫn tới tình trạng sớm cạn room tín dụng, hệ lụy là ngân hàng chọn doanh nghiệp để cho vay, lãi suất do vậy khó giảm.
Ngân hàng sớm cạn “room” tín dụng
Số liệu thống kê về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội quý II và 6 tháng đầu năm cho biết, tính đến hết tháng 6/2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố ước tính đạt 3.911 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 4,2% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Trong khi đó đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 2.333 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 5,9% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Số liệu trên địa bàn Hà Nội cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cao hơn tốc độ huy động vốn.
Ở số liệu tổng thể tính cho cả nền kinh tế, đến thời điểm 21/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%).
Rõ ràng tín dụng đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với tăng trưởng huy động, khiến thanh khoản hệ thống khả năng không còn dư thừa nhiều.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, từ đó kích nhu cầu vay vốn của DN.
Nhiều ngân hàng (NH) đã vượt mức tăng tưởng tín dụng chung của ngành và ngấp nghé chỉ tiêu được giao. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng quý 1/2021 của MSB là 12,58%. Các NH khác như MB tăng 8,62%, Techcombank tăng 6,76%, Nam A Bank tăng 5,04%...Trong khi đó đầu năm NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cho MB, VPBank, Techcombank 10,5 - 12%, MSB có hạn mức tín dụng là 10,5%.
Tình trạng cạn “room” tín dụng đã xuất hiện sớm hơn so với các năm khác, và hiện đã có khoảng 10 NH đã gửi đề nghị xin NHNN sớm nới “room”.
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển từng chỉ ra, dòng tín dụng tăng trưởng góp phần tăng trưởng GDP. Nhưng không loại trừ khả năng tín dụng chưa thể hoàn toàn đi vào sản xuất, kinh doanh bình thường như giai đoạn 2017-2018, vì hoạt động của nhiều DN đang bế tắc, nhất là DN du lịch, dịch vụ, vận tải...
Vì thế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, với thanh khoản hiện nay, các NH vẫn có nguồn tiền để cho vay, vấn đề là DN có tạo được niềm tin cho NH về khả năng trả nợ hay không. Hiện lãi suất cho vay đang có sự phân hóa. DN tốt vẫn được hưởng lãi suất cho vay thấp, các DN có độ rủi ro cao phải chấp nhận bị tăng lãi suất để bù đắp rủi ro.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trong ngành nói rằng, tỷ lệ DN tốt ở Việt Nam được vay với lãi suất thấp không nhiều.
Quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP
Nhiều kiến nghị cho rằng, NHNN nên bỏ chính sách áp trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NH được tự quyết định cho vay theo cung - cầu thị trường.
Về lâu dài, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, NHNN nên cân nhắc bỏ cách điều hành mang tính hành chính đối với tín dụng.
Giải đáp khúc mắc về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, đây là giải pháp điều hành của NHNN sử dụng trong thời gian qua. Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là có những giải pháp phù hợp ổn định nền kinh tế, ổn định vĩ mô là tối quan trọng. Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức là nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay NH, nên nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.
Tại Việt Nam, vốn tín dụng NH cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu, trong khi thị trường cung ứng vốn ở các nước khác từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu. Nếu như không quản lý tốt, hài hoà, sẽ khiến các NH tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu nguy cơ tăng lên.
Cũng theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng, trước mắt là công cụ hiệu quả hữu hiệu. “Nếu như không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hoà, hợp lý cũng tạo ra sự bất ổn ngay tại các ngân hàng thương mại. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng ở một NH trong năm tăng lên đến vài chục phần trăm, việc ồ ạt đưa tín dụng ra thị trường thì chất lượng sẽ không đảm bảo. Như vậy 1-2 năm, nợ xấu của nền kinh tế sẽ tăng lên. Tất cả bất ổn của nền kinh tế vĩ mô sẽ xuất hiện ngay”, ông Tú phân tích và cho biết, trong tương lai, khi thị trường cung ứng vốn không phụ thuộc nhiều vào tín dụng, NHNN có thể thay đổi phương thức này.