Ông Chiến mong muốn đồng đội của anh trai cùng những người đã di chuyển các liệt sĩ từ nghĩa trang Pò Hèn đi nơi khác và các cơ quan chức năng sớm giúp gia đình đưa phần mộ của anh trai về được nghĩa trang liệt sĩ của quê hương để thuận tiện hương khói...
Bia ghi tên các liệt sĩ Đồn 209 Pò Hèn hy sinh ngày 17/2/1979 trong Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Chúng tôi đến khu 6 phường Đức Chính, TX Đông Triều (Quảng Ninh) thăm ông Nguyễn Văn Chiến, sinh năm 1964, em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện, sinh năm 1958, tại xã Đức Chính (nay là phường Đức Chính, TX Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh cùng nhập ngũ vào lực lượng CAND vũ trang Quảng Ninh (nay là BĐBP) tháng 11/1976, hy sinh ngày 17/2/1979 tại Đồn CAND vũ trang 209 Pò Hèn, cấp bậc Thượng sĩ.
Đang lau chùi bằng Tổ quốc ghi công của anh trai, ông Chiến khoe, tấm bằng cấp năm 1979 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, bị cũ, mờ nên gia đình ông mới đổi lại do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.
Nhiều lần Đại tá Trần Thanh Ngân cùng những người đồng đội cũ của anh trai đến nhà chơi, ông Chiến đều hỏi thăm có ai biết phần mộ của anh trai mình. Ông Ngân cũng đã đưa ông Chiến đến nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, TP Hạ Long (Quảng Ninh) để tìm, nhưng cũng chưa thấy được phần mộ của anh trai.
Hiện ông Chiến đang ấp ủ sẽ phải đi 1 chuyến ra Móng Cái, lên Pò Hèn, nơi anh trai và những đồng đội của anh đã chiến đấu và hy sinh để thắp hương cho các vong hồn liệt sĩ được ấm lòng.
Lúc chia tay, ông Chiến đã chia sẻ: Thời gian thì cũng đã lâu, nhưng ông vẫn tin rằng anh trai mình khi sống có đồng đội, ngày anh hy sinh vì Tổ quốc thì anh cũng vẫn có đồng đội bên cạnh và bây giờ, anh cũng đang luôn luôn ở bên những người đồng đội của mình trên biên cương…
Và rất cẩn thận, ông hỏi thêm, để lên được Pò Hèn cần phải xin giấy tờ gì của địa phương?
Đại tá Trần Thanh Ngân, nguyên Chính trị viên Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (BĐBP Quảng Ninh) hiện đã nghỉ hưu tại xã Tân Việt, TX Đông Triều (Quảng Ninh) kể, từ 2004 đến 2010, khi về công tác ở Đồn Biên phòng Pò Hèn, tuy bận rộn với nhiệm vụ, song thường xuyên nhờ anh em CBCS và trực tiếp tìm hỏi han về phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện bây giờ đang nằm ở nghĩa trang nào?
Bởi cứ mỗi lần đến thăm gia đình của đồng đội, do điều kiện của gia đình, cũng chỉ biết trông chờ, mong đợi ông Ngân giúp tìm mộ chiến sĩ Biên phòng, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện đang ở nghĩa trang nào?…
Cùng nhập ngũ nhưng lại không được ở cùng đơn vị, ông Ngân cũng đã tìm hiểu và được biết, các liệt sĩ của Đồn CAND vũ trang 209 Pò Hèn hy sinh ngày 17/2/1979 cùng công nhân Lâm trường và nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm đều đã được an táng ở khu vực Tràng Vinh.
Khu vực này khi quy hoạch, thi công hồ Tràng Vinh nên các phần mộ liệt sĩ đều phải di chuyển, quy tập.
Lúc đó, các liệt sĩ từ Cẩm Phả trở về miền Tây của tỉnh và các tỉnh ngoài được di chuyển về nghĩa trang Hà Tu (TP Hạ Long), còn các liệt sĩ từ huyện Tiên Yên trở về khu vực miền Đông của tỉnh quy tập về nghĩa trang Hải Hòa (TP Móng Cái).
Từ ngày được về nghỉ hưu tại địa phương vào tháng 6/2012, ông Ngân liên tục tìm hỏi han về phần mộ của chiến sĩ Biên phòng, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện.
Ông Nguyễn Văn Chiến, khu 6 phường Đức Chính, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bên bằng Tổ quốc ghi công của anh trai, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện.
Trong các năm 2014, 2015, ông Ngân tổ chức các cựu chiến binh, hội đồng ngũ biên phòng của Đông Triều đến cả 2 nghĩa trang Hải Hòa và Hà Tu để tìm, nhưng vẫn chưa xác định được phần mộ của người đồng đội, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện nằm tại nghĩa trang nào.
Cùng tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 1994 thì tiến hành quy hoạch, chuẩn bị và cho đến năm 1996, công trình hệ thống thủy lợi hồ Tràng Vinh đã chính thức được huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái) khởi công.
Nhớ về nghĩa trang liệt sĩ Pò Hèn năm xưa, ông Nguyễn Đức Dảo, chiến sĩ cơ yếu Đồn Biên phòng 209 từ đầu năm 1980 đến 1983, hiện ở thôn Quế Lạt, xã Hoàng Quế (TX Đông Triều) khẳng định, vào ngày 22/7/1982, Đồn Biên phòng 209 đã làm các thủ tục di chuyển hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại Pò Hèn ngày 17/2/1979 từ nghĩa trang Mả Phềnh dưới chân núi Mã Đầu Sơn, đến Vày Kháy, gần UBND thị trấn Hải Sơn của huyện Hải Ninh lúc đó (nay là TP Móng Cái).
Phần mộ của các liệt sĩ khi ở Mả Phềnh đều có bia bằng gỗ, ghi tên bằng sơn đỏ. Khi chuyển và chôn cất các liệt sĩ tại nghĩa trang mới Vày Kháy, đồn có lập sơ đồ chi tiết từng phần mộ của liệt sĩ.
Khoảng 1 tuần sau đó, đã có 1 số thân nhân liệt sĩ nhập ngũ năm 1977 ở Hà Bắc (vùng Bắc Giang) xuống di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Đây là đợt di chuyển hài cốt các liệt sĩ Pò Hèn đầu tiên.
Cũng vì lâu năm rồi lên ông Dảo không nhớ được phần mộ của từng liệt sĩ. Ông cũng không nắm được từ sau tháng 7/1982 có gia đình liệt sĩ nào đến di chuyển mộ đi nơi khác hay không. Sau này, khi ra thăm đồn cũ, ông được nghe nói là thi công hồ Tràng Vinh, đã tiếp tục di chuyển phần mộ các liệt sĩ từ Vày Kháy đi nơi khác…
Ông Dảo còn lấy giấy, bút vẽ lại cho chúng tôi con đường ngoằn ngoèo trên núi mà ông và đồng đội thường đi bộ hoặc đi ngựa từ huyện Hải Ninh ngày đó lên Đồn 209, bắt đầu đi từ đầu cầu Thín Cóong, đoạn cây số 15 đường số 4 ngày ấy (nay là QL18) rẽ vào và đi dọc bờ sông vào Đại đội 11 của CAND vũ trang trước đây, rồi qua trạm thủy văn lên đến bản Vày Kháy, đi tiếp đến đồn mới và qua khu Mả Phềnh để vượt dốc cổng trời mà bên phải là núi Mã Đầu Sơn, bên trái là núi Ban Nai để đi một chặng đường rừng nữa là lên được đồn cũ trên biên giới Việt- Trung, nơi có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn chính trên nền đồn cũ, ở phía trong đường tuần tra biên giới…
Nguyện vọng của ông Chiến mong muốn đồng đội của anh trai cùng những người đã di chuyển các liệt sĩ từ nghĩa trang Pò Hèn đi nơi khác những năm sau đó và các cơ quan chức năng sớm giúp gia đình ông xác định được ngôi mộ của anh trai để gia đình đưa được phần mộ của anh trai mình dẫu không còn nguyên vẹn về được nghĩa trang liệt sĩ của quê hương Đệ tứ Chiến khu để thuận tiện hương khói...
Nhân 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) năm nay, mang theo trăn trở của ông Ngân, ông Dảo và em trai liệt sĩ, chúng tôi đã có chuyến quay lại mảnh đất biên cương Pò Hèn, cùng thành kính dâng hương tri ân các anh, các chị đã hy sinh tại nơi này. Tên liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện ghi ở dòng 22 trên bia thứ nhất, còn tấm bia trong nhà lưu niệm thì ghi ở dòng thứ 42. Mong rằng sẽ có những điều kỳ diệu đem lại niềm vui cho gia đình ông Chiến cùng các cựu chiến binh, hội đồng ngũ biên phòng ở Đông Triều.