Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Trân trọng hòa bình

Minh Quang 28/04/2025 06:53

Những ngày qua, các hoạt động tập duyệt, sơ duyệt, tổng duyệt diễu binh, diễu hành tại TPHCM hướng tới Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Khi được trò chuyện, nhiều bạn trẻ đứng dõi theo việc tập luyện cho hay, họ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết những bước chân đánh thức hồn thiêng dân tộc, những bước chân khẳng định giá trị của hòa bình trên dải đất hình chữ S.

Với những người lớn tuổi, ký ức về ngày thống nhất còn in đậm và những ngày này, lại thêm một lần nhớ lại để cùng trân trọng quý báu. Còn với những người trẻ, vượt qua sự hiếu kỳ khi được nhìn ngắm những người lính, họ đến xem diễu binh để cảm nhận từng bước chân và khí thế của những chiến sĩ, để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào với lớp cha anh, những người đã ngã xuống để mang lại hòa bình cho thế hệ hôm nay.

Mới đây, một đề thi Ngữ văn nhắc nhớ cho học sinh về giá trị của hòa bình đã được đánh giá cao. Cụ thể, gần 38.000 học sinh lớp 12 ở Đồng Nai đã vừa hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ 2 môn Ngữ văn với đề thi chung từ Sở GDĐT. Trong đó, đề thi có nội dung dẫn câu nói của cựu chiến binh Quách Minh Sơn: "Tự do, hòa bình không phải dễ. Có được bây giờ, cố mà giữ", và học sinh được yêu cầu thể hiện suy nghĩ về giá trị hòa bình. Ngay sau khi môn thi kết thúc, trên fanpage của Sở GDĐT địa phương đề thi đã nhận được hơn 2.000 lượt tương tác, bình luận. Đa phần các học sinh của cho biết khi đọc đề, các em xúc động với câu nói của người cựu chiến binh. Đề thi Ngữ văn đã khơi gợi cảm xúc, gợi liên tưởng đến hàng loạt thông tin, hình ảnh cả nước hướng đến kỷ niệm dịp 30/4.

Giá trị hòa bình không phải chủ đề mới nhưng theo các giáo viên, trong không khí và bối cảnh cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước với hàng loạt sự kiện, hoạt động, học sinh sẽ có nhiều cảm xúc và dữ liệu để làm bài. Quan trọng hơn cả, việc dạy và học và thi trong chương trình GDPT mới 2018 yêu cầu phải bám mục tiêu liên hệ với những vấn đề thực tiễn, đặc biệt với môn Ngữ văn- sẽ có dạng đề thi mở. Qua đó, giáo dục học sinh về giá trị của hòa bình ở trường học, từ sớm- sẽ giúp hình thành nhân cách, phẩm chất và bản lĩnh cho học sinh. Đây chính là việc trang bị nền tảng để tạo nên những công dân tốt, công dân toàn cầu trong tương lai.

Không chỉ với môn Ngữ văn, việc giáo dục giá trị hòa bình với thế hệ trẻ có thể thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bằng nghệ thuật, âm nhạc, hoạt động trải nghiệm… Tổ chức hoạt động giáo dục giá trị hòa bình trong cộng đồng có sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường hướng tới "Trường học hạnh phúc", tạo môi trường học tập an toàn, tôn trọng, để học sinh cảm nhận rõ mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui; không có bạo lực học đường; thi đua lành mạnh thay vì ganh ghét, đố kỵ.

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm. 50 năm qua những thế hệ tiếp nối đã, đang và sẽ nỗ lực để vun đắp và gìn giữ, trân trọng hòa bình. Song để giá trị hòa bình tiếp tục thấm sâu, lan tỏa, rất cần giáo dục giá trị hòa bình một cách có hệ thống cho học sinh trong nhà trường phổ thông. Và, trong hệ giá trị quốc gia với 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc thì "hòa bình" đứng ở vị trí đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trân trọng hòa bình