Trang phục truyền thống của người Việt đang dần trở lại trong những dịp lễ hội. Đặc biệt trong dịp đầu Xuân Đinh Dậu, không những trang phục áo dài của nữ giới mà cả áo dài nam giới cũng đang được các nhà nghiên cứu văn hóa chung tay bảo tồn, quyết tâm khôi phục thành một thói quen của người dân.
Nhóm Đình làng Việt du xuân với trang phục áo dài.
Tự hào về áo dài
Trước hết phải kể đến những nỗ lực bảo tồn trang phục truyền thống của nhóm Đình làng Việt. Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, nhóm đã chọn đình làng So (huyện Quốc Oai- Hà Nội) để tổ chức ghi hình, thực hiện các bộ ảnh về trang phục áo dài với mục đích kêu gọi người dân mặc áo dài dịp Tết, để giữ gìn nét đẹp truyền thống.
Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt trong đó có Đại sứ Phạm Sanh Châu- Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội.
Ý nghĩa hơn nữa, ngay trong ngày Mồng 1 Tết Đinh Dậu, một số thành viên của nhóm Đình làng Việt trong trang phục áo dài đã du xuân tại một số di tích ở Hà Nội. Cùng đi có các vị khách đặc biệt là Đại sứ của các Quốc gia: Ấn Độ, Hy Lạp, Liên bang Nga, Kazakhstan… đang làm việc tại Hà Nội.
Được biết Đại sứ Phạm Sanh Châu- thành viên thứ 7.000 của nhóm Đình làng Việt đã gợi ý với cả nhóm về nội dung tôn vinh và quảng bá áo dài cổ truyền nói chung và của nam giới nói riêng. Là một nhà ngoại giao văn hóa tiên phong mặc áo dài truyền thống, Đại sứ Phạm Sanh Châu có thâm niên hơn 10 năm mặc áo dài trong các cuộc gặp ngoại giao quan trọng.
Ông cho rằng áo dài của nam giới còn ra đời trước áo dài nữ và từng là trang phục truyền thống của đàn ông Việt. Nhưng theo thời gian, văn hóa này dần mai một do vấp phải rào cản nhận thức.
Dẫu thế, ngoài việc vận động nam giới mặc áo dài trong dịp Tết, còn có những ý kiến băn khoăn về việc nên chọn áo dài cách tân hay truyền thống. Bởi theo thời gian, áo dài Việt đã được cách tân rất nhiều, từ kiểu dáng đến chất liệu.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, nhiều người cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ, nhiều người lại lo ngại sự khen- chê của dư luận xã hội nên mặc complet cho an toàn. Nhưng ông cho rằng mọi người phải dũng cảm vượt qua rào cản. Vì áo dài đã là một trong những hình ảnh thương hiệu văn hóa của Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng cho rằng, để phổ biến áo dài một cách rộng rãi, Bộ VHTT&DL, rồi các cấp, các ngành cũng phải thấy chúng đẹp, sang và tiện.
Băn khoăn lễ phục- quốc phục
Cũng từ câu chuyện gìn giữ trang phục truyền thống, nhiều người lại liên tưởng tới bộ quốc phục hay lễ phục. Bởi nhiều năm qua, việc lựa chọn lễ phục nhà nước vẫn chưa đi đến hồi kết. Từng có rất nhiều hội thảo được tổ chức để bàn về quốc phục- lễ phục của người Việt.
Có hội thảo do Bộ VHTT&DL tổ chức, lại có hội thảo do các đơn vị liên quan tổ chức. Sau những cuộc hội thảo ấy thì ngay cả khái niệm cũng là một vấn đề cần đi đến thống nhất.
Đơn cử như tại hội thảo “Quốc phục Việt Nam - Mục đích và tiêu chí lựa chọn” (do Bộ VHTT&DL tổ chức), các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận về lễ phục sử dụng trong hôn lễ, lễ hội và các nghi thức ngoại giao.
Người thì nói rằng nên qui định một mẫu chung cho tất cả các hình thức sử dụng. Người lại cho rằng nên phân biệt lễ phục và quốc phục, nếu đặt chung mục đích sử dụng sẽ làm mờ nhạt bộ trang phục thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa cũng như hình ảnh tiêu biểu của quốc gia…
Hiện nay, áo dài khăn xếp được nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước sử dụng trong các buổi tiếp nghi thức quan trọng. Theo diễn trình lịch sử trang phục Việt Nam, lễ phục là loại áo dài mặc ngoài, cho dù có biến tấu thành tứ thân, năm thân, hai tà thì áo dài vẫn giữ vị trí quan trọng nhất. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có một văn bản nào qui định chính thức áo dài là quốc phục Việt Nam.
Các chuyên gia đều cho rằng trang phục truyền thống Việt Nam có thể không rực rỡ, không nổi bật nhưng có nét đẹp rất riêng. Áo dài của nữ giới dù thế nào cũng đã rất phổ biến, song áo dài của nam giới cũng chưa thực sự nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Chiếc áo truyền thống ẩn chứa phong vị văn hóa rất ý nhị của người Việt, phải hiểu mới thấy yêu. Theo họa sĩ Đức Hòa, khi mặc những bộ trang phục truyền thống chúng ta cảm tưởng như đang được sống lại với niềm khát khao về nguồn cội. Nói đến trang phục truyền thống là gợi nhắc đến tinh hoa văn hóa cả ngàn đời, là nền tảng tinh thần cần được quan tâm phát triển.
Giờ đây trong đời sống hiện đại, vấn đề trang phục truyền thống đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước.
Nhưng làm sao để tìm ra một bộ trang phục vừa mang đậm hồn cốt, tinh hoa văn hóa dân tộc cả ngàn đời, lại vừa thích nghi được với nhịp sống đương đại là một bài toán khó. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng chính là một tiêu chí đặt ra đối với giới thiết kế và những nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc.