Nhân một thông tin tôi nghe được mà liên tưởng đến những ví von vui vui. Đấy là người ta tâm đắc về một số tỉnh, trong đó có Bắc Ninh ngày càng quan tâm đến văn hóa, từ sau hội nghị lớn về văn hóa, cũng vào dịp này năm ngoái. Nhiều sự kiện văn nghệ đã diễn ra tại tỉnh này. Còn ngân sách tỉnh đầu tư cho văn hóa cũng được đánh giá là tăng lên đáng kể. Tôi nghĩ bây giờ và tới đây, lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Ninh hẳn có nhiều điều tự hào với cả nước về tinh thần văn hóa đã lan tỏa…
Liền đó, cũng nhớ ngay tới cái không khí lễ hội ở làng Lim với những mâm cỗ tưng bừng, thì thấy ngay rằng, từ bao lâu nay rồi, người dân năng động của miền đất phong phú này vẫn tự đầu tư cho văn hóa. So với mức sống, điều kiện kinh tế chung thì những đầu tư phổ biến trong dân ấy, là hào phóng lắm!
Mấy lần, vào hội, tôi được theo thầy giáo Nguyễn Hùng Vĩ của mình, hoặc cùng nhóm bạn, đến nhà bác nghệ nhân trong làng, đêm nghe hát, ngày ăn cỗ. Đều đều nhiều năm, tối 12 tháng Giêng nhà bác mời nhóm quan họ về ca tới muộn, sáng hôm sau 13 tháng Giêng chính hội, thì cả nhà đã kỳ cạch từ sớm, nấu nướng, soạn cả chục mâm cỗ để trưa đón bạn, mời khách. Dạo đó thì chưa cấm ngặt chuyện uống rượu lái xe như giờ. Nên là thầy trò, bạn hữu, thường mỗi lần rời nhà bác Nguyễn Năng Địch nghệ nhân làng Lim, rong ruổi về Hà Nội, thường vẫn cứ lâng lâng…
Nhưng lâng lâng không chỉ vì rượu nếp ngọt thấm hết chịu nổi, mà vì những câu hát cứ níu kéo lòng mình phải ngoái lại. Có những tối buốt lạnh bên ngoài, trong này người hát, người nghe cứ mê ly. Tôi biết sự hát từ lâu đã trở nên như một dịch vụ phổ biến ở Bắc Ninh, người ta đi hát quan họ mô phỏng lối đối đáp, và diễn giải cho quan khách nghe về tập quán sinh hoạt, thực hành di sản này, cũng chính là cách làm thức thời và thiết thực cải thiện đời sống đấy chứ! Nhưng dường như, mục đích của dịch vụ là một chuyện, mà lúc người ta say sưa hát với nhau để được hát, được thể hiện, được sống thêm một phần tài hoa của mình, lại là một chuyện khác đấy.
Cho nên vào những cuộc hát, những ngày hội, là chủ khách ai nấy đều phấn khởi, cảm kích, và thực ra, người hát lẫn người mời về hát, đã thân quen với nhau cả rồi. Tôi chẳng quên được những thời khắc mình đã hơi ngà ngà mà ngồi ngả vào cánh cửa tủ ở gian giữa hay cái chân phản, ngay dưới một nghệ sĩ đang ngồi trên phản, đang cùng với chủ nhà, với khách của chủ nhà hát vang, tưởng như hàng xóm cũng còn nghe được.
Cái chi phí, và sâu dày hơn, là cái tâm trí người ta dành cho sinh hoạt văn nghệ vào những dịp trọng đại của năm như thế, kể cũng dồi dào lắm chứ! Chẳng riêng các nhà tổ chức canh hát, nhìn chung nhà nào cũng nấu cỗ, cũng mời bạn xa gần về vui hội. Trà nước xong rồi đi ra đồi xem hát, xong về ăn cỗ, rồi lại đi nghe hát tiếp. Nên nhiều nhóm bằng hữu yêu mê quan họ, mến thích đời sống lễ lạt hội hè Bắc Ninh, trước Tết, đầu xuân lại gọi nhau, năm nay đi thế nào, thế nào… Và lại chẳng riêng hội Lim, bao nhiêu hội xuân các năm qua, người ta đã mở ra những hội nhỏ của gia đình, những hát, những chơi xuân phơi phới, phóng khoáng như thế.
Hồi qua đầu năm, đợi ba mùa hội không được vui do dịch bệnh, liền chị Tạ Thị Tư người làng quan họ Thị Chung, đón danh hiệu nghệ nhân của tỉnh, cả nhà mở tiệc linh đình từ trưa đến tối, đến đêm. Mấy chục mâm cỗ đầy trong nhà văn hóa của phường, trong rạp dựng trên hè, nhìn không biết tưởng ngay đám cưới đám hỏi. Lại nhớ đứng xem quan họ hát thuyền ở hội làng Ngang Nội. Thanh niên, người làng đứng kín quanh hồ.
Nhiều người thưởng - bên đó hay gọi là “thướng” cho nhóm quan họ hát hay, có cô gái xinh xắn người làng, mệnh giá cũng cao đấy, nhiều tiền “trăm”! Loại trừ ra một bên cái hình ảnh thưởng tiền, nhận tiền trong hội quan họ mà dư luận nhiều năm hay góp ý, thì ở trong cái sự ghi nhận, khen ngợi người ca hát mà không lấy gì làm tiếc này, nó cũng cho thấy sự xởi lởi, rộng rãi của những người thôn quê yêu văn nghệ.
Nên biết là nhiều những con người ấy, từ nhỏ đã sống trong tiếng hát văng vẳng sân nhà, đầu ngõ, ngoài đình không chỉ dịp hội hè, mà thường xuyên, quanh năm. Chính cô Lệ Ngải, nghệ sĩ ưu tú ở làng Ngang Nội, với chồng là ông Ngân, lại còn bảo, xây sửa lại ngôi nhà ở quê rồi, có chỗ rộng rãi để mà thỉnh thoảng hát, rồi đón bạn bè dưới đó cho rộng rãi, mát mẻ.
Kể cũng “ghê”, tính chỗ ăn ở, nghỉ ngơi khang trang là thường, mục đích còn là để có chỗ chơi, chỗ hát với bạn hữu nữa thì thật là hào sảng, bởi tôi biết ông bà Ngân Ngải cũng không phải dư dả cho lắm, một đời cũng phải so đo, tằn tiện rồi. Thế mà cái mạch hát nó giữ cho tấm lòng người mát tươi, rộng mở hơn nhiều trên đời sống chưa được như mong muốn. Mỗi năm hội, trong gian nhà to có sân rộng đầy tiếng hát ca, cũng phải sôi nổi đến chục mâm cỗ.
Đến những hình ảnh như thế, tôi nghĩ mình như gặp được một phần chất người, chất “chơi văn hóa” của con người xứ Bắc. Ngày mải mê làm nghề thủ công, buôn bán, chạy hàng chạy chợ, rồi thì nhà hàng, quán xá, dạy học, công tác sở ngành, đến mùa hội, đến những dịp vui, là lại bừng lên, cuốn kéo tâm trí mình và người vào những vòng quay sắc màu văn nghệ với đất trời, miếu đình, với dân gian, với lịch sử, huyền sử. Thầy tôi cứ tấm tắc, sao lại có một cái vùng nó lạ thế chứ, người ta cứ làm ăn, xoay xở mà sống, rồi đến hội hè, cứ thế mà lăn vào nghe hát, mà đi hát.
Đọc sách thì thấy đã thành cả truyền thống lâu dài trong sinh hoạt của các bọn quan họ giữa các làng. Các nhóm liền anh hoặc liền chị cùng lập nên một “đội” nhỏ, kết chạ với nhóm liền chị hoặc liền anh của làng quan họ khác vốn có truyền thống kết chạ với làng mình. Thỉnh thoảng các bọn quan họ qua lại thăm nom, giao lưu, tổ chức hát canh với nhau. Mỗi lần như thế thường có lên đình làng dâng lễ, thắp hương, đi thăm thú cảnh quan trong vùng, về qua nhà nhau thăm cha mẹ của bạn, rồi giao lưu trà nước, ăn cỗ, hát canh, có khi suốt đêm, có khi còn sang hôm sau nữa rồi mới chào nhau ra về. Có khi còn đưa quan họ bạn về tận bên ấy, và lại hát cùng nhau canh nữa…
Tập quán văn hóa và ân tình đó, là kết đọng, sinh sôi của niềm yêu mê ca hát trong những con người có khiếu văn nghệ, có giọng hát hay, có nhiệt tình rèn luyện, mong muốn được học hỏi trong ngoài để nâng cái tài, lan cái tình bầu bạn gần xa. Nó làm cho đời sống thông thường của con người ta trong cuộc mưu sinh thêm giàu sắc màu, giai điệu, thêm những tinh túy tâm hồn. Nhìn thêm ở cái góc tổ chức, duy trì nữa, thì cũng phải có dành dụm, có chuẩn bị, có chi phí cho những cuộc vui đón bạn như thế, chứ chẳng phải tự dưng nó rơi xuống.
Nào những chè ngon, như câu hát “Chè mạn hảo có hương có vị, lịch trăm chiều, trăm vẻ càng xinh, cái chén trà ngon, thết đãi khách bạn hiền”. Nào những món chè kho, chè con ong, bánh xu xê, nào những cỗ “mâm đan bát đàn” như người quan họ hay nói, nhưng vẫn ý nhị khiêm tốn: “Đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa” bưng ra mời bạn.
Mà ta nhớ rằng, đấy là các bạn quan họ chơi với nhau, hát với nhau giữa đôi bên liền anh liền chị, chứ không mang tính trình diễn, tổ chức dịch vụ như bây giờ. Cái nếp sinh hoạt ấy, đâu có sinh lợi về mặt vật chất. Ngẫm vậy để thấy những con người thuở ấy đã “đầu tư” vào câu hát một cách tươi vui, bền bỉ, thanh lịch đến nhường nào.
Xưa đến nay, người ta đã trang trải lòng mình cho câu hát. Và chắc chắn sau này, vẫn vậy. Chúng ta đi lang thang chơi xuân, chơi mùa trên những con đường tỉnh Bắc, ta sẽ sớm gặp được, gặp lại những ân tình văn nghệ của người ta với nhau, người ta với mình.
Và càng đi, càng sống cùng, sẽ càng thêm cảm tình mà chứng nghiệm câu hát: “Nhân sinh thích chí ở đời/Lặng ngồi mà nghe em kể bốn mùa/Mùa xuân chơi cỏ phương phi (có khi hát là “thong dong”)/Mùa hè tắm mát ở sông Lục Hà/Mùa thu uống rượu cúc hoa/Đông ngâm bạch tuyết ngâm nga chơi bời/Lặng ngồi mà nghe em kể bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông” (bài Vui bốn mùa). Mà còn nghe các liền anh liền chị hát bài “Chơi cho” nữa thì lòng thêm “điêu đứng”: “Chơi cho bể hẹp bằng ao/Một trăm trái núi lọt vào trôn kim… Chơi cho con ốc có sừng/Con lươn có vẩy mới ngừng đi chơi”.