Trang trọng Lễ tế đàn Xã Tắc

PV 18/03/2023 08:30

Sáng 17/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trang trọng tổ chức Lễ tế đàn Xã Tắc năm Quý Mão 2023, với sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và nhân dân địa phương.

Một nghi thức tại Lễ tế đàn Xã Tắc, ngày 17/3.

Lễ tế được phục dựng với cơ bản đầy đủ các nghi thức của lễ tế chính dưới triều Nguyễn xưa. Đàn Xã Tắc được xây dựng từ đầu thời nhà Nguyễn và là di tích đặc biệt quan trọng thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Nơi đây, các vua Nguyễn đã làm lễ tế Thần Đất và Thần Nông nhằm cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đàn Xã Tắc được xây dựng vào tháng 3 năm Bính Dần (tháng 4 năm 1806), bên trong Kinh thành, phía bên phải Đại Nội, nay thuộc phường Thuận Hòa; được triều đình dùng để cúng tế thần Xã (thần Đất), thần Tắc (thần Lúa). Đàn gồm 2 tầng hình vuông. Tầng trên cao 1,60m, mỗi cạnh dài 28m. Mặt nền được tô 5 màu (Ở giữa màu vàng, phía Đông màu xanh, phía Tây màu trắng, Nam màu đỏ, Bắc màu đen). Lan can quét vôi vàng. Giữa 4 mặt có xây bậc để lên xuống. Tầng dưới cao 1,20m, mỗi cạnh dài 70m.

Kể từ năm 2008 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục dựng và tổ chức tái hiện Lễ tế Xã Tắc. Sau đó, lễ tế được duy trì tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm.

Về cơ bản, Lễ tế Xã Tắc hiện nay được tổ chức dựa theo các nghi thức xưa, được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng tinh gọn, gồm: Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh thần (rước thần đến dự), Lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Phú tộ (hưởng lộc), Lễ Triệt soạn (hạ cỗ), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần), Lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).

Theo các nhà văn hóa, trước đây các triều đại phong kiến ở Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa Xuân và luôn xem đó là Quốc lễ. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, duy nhất tại Cố đô Huế hiện vẫn còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong kinh thành Huế.

Đàn tế Xã Tắc là công trình đặc biệt quan trọng được xây dựng sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ kinh thành Huế trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Thời đó, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ tế 2 lần mỗi năm vào mùa Xuân và mùa Thu.

Việc tái hiện Lễ tế Xã tắc tại Huế hằng năm (kể từ năm 2008) nhằm bảo tồn một nghi lễ tâm linh truyền thống, có ý nghĩa tôn vinh nền văn minh lúa nước cũng như nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thực hiện Lễ tế Xã Tắc, chúng tôi mong muốn tái hiện một nghi thức của người xưa để cho thế hệ của người đương đại có thể hiểu được cha ông của mình ngày xưa thể hiện khát vọng đối với việc chung sống hòa thuận với thiên nhiên, thể hiện khát vọng về cuộc sống no ấm, mùa màng tốt tươi, đất nước thái bình. Từ lâu, việc phục hưng các di sản văn hóa vật thể của Huế luôn song hành cùng với việc nghiên cứu phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể, trong một tổng thể gắn bó”.

Hiện dấu tích còn lại của Đàn Xã Tắc là một khoảng đất trống mỗi bề 30m, tương đương với mặt bằng tầng trên của Đàn cũ, một tấm bia bằng đá thanh, hồ ở phía Bắc và bình phong ở phía Nam. Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia (loại hình khảo cổ) ngày 13/12/2006.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang trọng Lễ tế đàn Xã Tắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO