Mức lương tối thiểu giờ của người lao động tại Hà Nội áp dụng từ ngày 1/7 nhận được nhiều ý kiến trái chiều đến từ người lao động cũng như chủ các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ.
Thay đổi mức lương tối thiểu theo giờ
Theo văn bản số 294 của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị định số 38/2022 của Chính phủ, từ ngày 1/7, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội như sau:
Mức lương tối thiểu tháng 4.680.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu giờ 22.500 đồng/giờ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I gồm các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.
Mức lương tối thiểu tháng 4.160.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ 20.000 đồng/giờ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II gồm các huyện còn lại thuộc TP Hà Nội.
Với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày, hoặc theo sản phẩm, lương khoán, thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội yêu cầu các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu.
Ngoài ra, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định.
Không nên áp dụng quá máy móc
Sau khi thông tin mức lương tối thiểu giờ của người lao động tại Hà Nội được công bố đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều đến từ người lao động cũng như chủ các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chị Trần Thu Trang (22 tuổi, Nam Định), nhân viên bán hàng tại Hà Nội, cho biết: "Hiện tại, tôi làm tại cửa hàng ca 8 tiếng, 22.000 đồng/giờ. Tính ra một tháng đi làm đầy đủ nhận về hơn 5 triệu đồng, chưa tính phụ cấp ăn trưa và làm thêm giờ. Lương của tôi so với quy định mới về lương tối thiểu theo giờ cũng không có thay đổi gì nhiều. Mức lương đó người lao động khó mà có thể trang trải chi tiêu trong thời buổi "bão giá". Theo tôi, mức trần này cần phải tăng thêm mới đủ để người lao động trang trải cuộc sống".
Còn với anh Nguyễn Đức Mai (20 tuổi, Hà Nội), những quy định mới về múc lương tối thiểu theo giờ sắp có hiệu lực từ ngày 1/7 là vô cùng hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
"Thu nhập tính theo quy định mới tăng lên thì ai cũng thích. Tuy nhiên, như trường hợp của em, sinh viên làm partime thì có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến lương và chủ quán cũng phải cân đối cho phù hợp", Mai cho biết.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hiệp (32 tuổi, Hà Nội) - quản lý nhà hàng cho biết, tổng số tiền chi trả lương cho nhân viên sẽ được chủ nhà hàng quy định. Nhân viên sẽ được chi trả sao cho phù hợp với quy định của pháp luật và quỹ tiền lương nhà hàng.
"Mức lương của tôi là theo thỏa thuận, đã bao gồm trách nhiệm đào tạo nhân viên, sắp xếp ca làm, hỗ trợ khách hàng,.. Người làm việc trực tiếp với nhân viên là tôi chứ không phải chủ cửa hàng. Khi các bạn thắc mắc về mức lương theo quy định mới và mức lương hiện tại, tôi cũng rất khó xử. Nếu tính toán không cẩn thận thì tiền thu sẽ không đủ tiền chi. Nhưng cũng không thể trả thấp hơn so với quy định, không đảm bảo quyền lợi của nhân viên. Do đó, tôi nghĩ rằng, quy định về mức lương tối thiểu theo giờ nên có một khoảng dao động, không nên quá máy móc, để từ đó, người sử dụng lao động dựa vào đó, cân đối thu chi của cửa hàng mà đưa ra mức lương hợp lý, hoặc thay vào đó là hỗ trợ chỗ ăn ở...", anh Hiệp chia sẻ.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, cho rằng mức đề xuất lương tối thiểu giờ vẫn còn hơi thấp. Tuy nhiên, bà Hương cũng nhận định cần bao quát nhiều nhóm khác nhau và mức lương tối thiểu theo giờ được đưa ra là mức trần thấp nhất để có thể thỏa thuận ở mức cao hơn. Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, mức lương tối thiểu theo giờ cần cao hơn từ 1,3 - 1,5 lần thì mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động. |