Báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài phản ánh xung quanh việc đất di tích đình Vĩnh Tuy Đoài (thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị chiếm dụng bỏ hoang, sử dụng trái pháp luật.
Khu đất có nguồn gốc giếng đình Vĩnh Tuy Đoài đang tranh chấp.
Ngày 6/4, báo có bài “Tranh chấp đất giếng đình Vĩnh Tuy Đoài (Hà Nội): Sẽ sớm tổ chức đối thoại”. Nội dung phản ánh khu đất giếng đình Vĩnh Tuy Đoài (không được cấp, nhưng treo biển số 40 phố Vĩnh Tuy) bị ông Vương Ngọc Quang chiếm từ lâu. Người dân và Ban Khánh tiết đình Vĩnh Tuy Đoài nhiều lần đề nghị UBND phường Vĩnh Tuy tổ chức đối thoại với ông Vương Ngọc Quang tìm phương án giải quyết.
Ông Trần Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cũng cho biết: Từ ngày 4/12/2015, UBND phường Vĩnh Tuy đã có công văn số 313/UBND gửi UBND quận Hai Bà Trưng và các phòng, ban chức năng thuộc quận đề nghị cho thu hồi để tái tạo lại giếng đình, nhưng đến nay, quận chưa trả lời.
Ngày 31/5/2017, tại trụ sở UBND phường Vĩnh Tuy đã diễn ra cuộc đối thoại giữa chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố, Ban khánh tiết đình, một số hộ dân và ông Vương Ngọc Quang. Cuộc đối thoại đã không đi đến việc thống nhất. Sau nhiều lần người dân có đơn đề nghị, ngày 1/8/2017, UBND Phường Vĩnh Tuy có Thông báo số 260/TB-UBND trả lời đơn thư của nhân dân và Ban Khánh tiết đình Vĩnh Tuy Đoài. Nội dung thông báo ghi ý kiến của cuộc đối thoại ngày 31/5/2017.
Theo văn bản thì tại cuộc đối thoại, ông Vương Ngọc Quang đề nghị UBND phường giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông. Nhưng ông Quang không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc sử dụng đất của ông đúng pháp luật. Trong khi đó, đại diện tổ dân phố, một số hộ dân, Ban Khánh tiết đình Vĩnh Tuy Đoài và các ban ngành đoàn thể phường đưa ra được các chứng cứ chứng minh khu đất được coi là số 40 phố Vĩnh Tuy thuộc đất giếng đình. Về phía UBND phường ghi nhận các ý kiến và ngày 3/7/2017 có Báo cáo số 127/BC-UBND gửi UBND quận Hai Bà Trưng, Phòng Tài nguyên môi trường xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết.
Ông Dương Văn Côn – Thành viên Ban khánh tiết đình cho biết: Di tích đình Vĩnh Tuy Đoài được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 15, gắn với chiến công năm 1471 của Hoàng đế Lê Thánh Tông. Đất đình được thể hiện trên bản đồ của Sở Địa chính Đông Dương năm 1936 và Sở Nhà đất TP Hà Nội năm 1960. Năm 1981, khu giếng đình (số 40 phố Vĩnh Tuy) có diện tích 269,84 m2 đã bị Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy giao cho ông Vương Ngọc Sơn sử dụng làm cơ sở sản xuất đúc gang Ngọc Phong. Việc này đã bị nhiều người dân Vĩnh Tuy làm đơn phản đối.
Trong văn bản giải quyết tố cáo cho người dân năm 1994, Sở Quản lý ruộng đất và Đo đạc Hà Nội đã khẳng định: “Lô đất tổ sản xuất Ngọc Phong được UBND phường Vĩnh Tuy cho phép là không đúng thẩm quyền. Việc sử dụng đất là chưa hợp pháp”. Đồng thời kiến nghị “yêu cầu tổ sản xuất Ngọc Phong làm hồ sơ thuê đất theo quy định pháp luật nhưng ông Vương Ngọc Quang (nhận đất sau khi ông Sơn chết) không thực hiện.
Năm 1995, Sở Quản lý ruộng đất và đo đạc TP Hà Nội cũng xác nhận thửa đất này thuộc khuôn viên giếng đình… Và trong suốt quãng thời gian mấy chục năm, mặc dù người dân liên tục bền bỉ làm đơn đòi đất đình gửi các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết cứ để gia đình ông Quang chiếm giữ.
Nguồn gốc đất tại 40 phố Vĩnh Tuy thuộc đất giếng đình Vĩnh Tuy Đoài đã rất rõ ràng. Việc tranh chấp giữa tập thể người dân và gia đình ông Quang về khu đất suốt mấy chục năm là điều không thể chối cãi. Vậy mà, ông Vương Ngọc Quang lại viết đơn gửi lên UBND TP Hà Nội cho rằng UBND phường Vĩnh Tuy có nhiều văn bản báo cáo không đúng sự thật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của gia đình.
Từ đó, Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, giải quyết theo quy định pháp luật. Tiếp đó lại có văn bản giao Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường chủ trì phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng xem xét, báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 10/9/2017.
Và để tránh né việc giải quyết theo thẩm quyền của mình, ngày 2/8/2017 Phòng Tài nguyên và môi trường UBND quận Hai Bà Trưng ra văn bản số 1137/TN&MT gửi UBND phường Vĩnh Tuy đề nghị “xem xét cấp giấy chứng nhận cho gia đình ông Vương Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Nguyệt theo đúng quy định”.
Theo bà Dương Thị Thủy – Thành viên Ban khánh tiết đình Vĩnh Tuy Đoài, điều người dân tin tưởng là lãnh đạo UBND phường Vĩnh Tuy, mặc dù bị câu thúc nhiều lần nhưng vẫn nhất quyết không xác nhận nguồn gốc đất sai thực tế và không xác nhận đất không có tranh chấp với cộng đồng người dân quanh di tích.