Đó là ý kiến của nhiều đại biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quy hoạch, diễn ra ngày 10/1.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật này ra đời phải khắc phục cho được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí. Không thể để tồn tại việc ngành ngành quy hoạch, mỗi tỉnh quy hoạch riêng mà không liên kết với nhau. Từ đó dẫn đến việc chia cắt không gian hành chính của tỉnh, của vùng. Luật Quy hoạch ra đời phải khắc phục tình trạng này.
Quá nhiều cảng biển thời gian qua cũng do việc quy hoạch chồng chéo, phân tán, thiếu sự liên kết vùng.
Nhiều ý kiến không đồng nhất
Tại phiên họp, hầu hết các bộ, ngành như: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có những ý kiến không đồng nhất với Dự thảo Luật Quy hoạch, thậm chí là ý kiến trái chiều. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Dự thảo Luật không phải lần đầu tiên cho ý kiến, nhưng cứ ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ý kiến khác nhau lại rất nhiều. Chính phủ phải thống nhất, tránh việc chưa thống nhất đã trình Quốc hội.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Về nguyên tắc, Chính phủ bàn rất nhiều. Cuối cùng bỏ phiếu, đủ điều kiện mới trình ra.
Khi đã trình ra đến Quốc hội, các ý kiến không chính thức của Chính phủ chỉ để tham khảo. Chính phủ trình ra rồi mà các bộ ngành lại nói trái, nói khác là không đúng nguyên tắc.
“Thủ tướng họp đã phê bình về chuyện này, đưa ra trình lại nói ngược, “đẽo cày giữa đường”. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội tôi đã trực tiếp báo cáo giải trình, ĐBQH, dư luận đồng tình đánh giá cao. Tôi không nghĩ các bộ ngành nói ngược lại như thế”- ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, trước một sự thay đổi sẽ đụng chạm đến một cơ quan, nhóm người nào đó. Có thể họ chưa hiểu hết nên chưa đồng tình tích cực; do có ảnh hưởng đến công việc của mình nên không muốn thay đổi, không theo hướng để xã hội tốt hơn.
“Các bộ muốn giữ lại các quy hoạch, tôi nói rồi quy hoạch giảm xin cho đi, giảm quy hoạch đi, giờ mỗi bộ lại một số cái thì không phù hợp. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy hoạch điểm kiểm soát, điểm kiểm dịch động thực vật. Không bao giờ chúng ta xây các trạm đó cả, có dịch thì lập trạm, xong rồi giải tán chứ sao phải xây trạm? Không cần thì bỏ đi”- ông Dũng nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Tôi cũng hết sức ngạc nhiên. Ra đây thấy các đồng chí còn nhiều ý kiến nên rất băn khoăn. Tôi thấy cần có quy hoạch mang tính chất tổng thể quốc gia. Đất nước nào cũng thế thôi, cần có cái lớn dựa vào đó để làm. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhưng quy hoạch lớn lại chưa có mà quy hoạch vùng lại có rồi. Vậy làm sao để quy hoạch không bị phá vỡ?”
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, quy hoạch tổng thể quốc gia như một người nhạc trưởng, tất cả quy hoạch khác đều phải nằm dưới sự điều hành của vị nhạc trưởng này thì mới thành công được.
Đến giờ này Bộ này Bộ kia còn ý kiến là không được. Ví dụ như Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch của Bộ cũng mang tính chất quốc gia rồi, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thế, nhưng khi quy hoạch ngành chi tiết thế nào thì phải thống nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Luật này ra đời phải khắc phục cho được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí. Ngành ngành quy hoạch, mỗi tỉnh quy hoạch mà không có liên kết gì với nhau. Địa phương gần nhau cũng không liên kết. Một nơi có cảng biển thì không liên kết để nơi kế bên cũng làm cảng biển nữa.
Từ đó dẫn đến lãng phí, chia cắt không gian hành chính của tỉnh, của vùng. “Luật Quy hoạch ra đời phải khắc phục tình trạng này. Luật Quy hoạch ra quy hoạch chung nhất để tất cả các quy hoạch kia không trái với quy hoạch khung”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
Cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo công bằng, bình đẳng và áp dụng thống nhất trong cả nước về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và đề nghị luật hóa các quy định đã thực hiện ở văn bản dưới luật vào Dự thảo luật, như các nội dung về định mức xây trụ sở, chức danh sử dụng xe công, giá trị xe, tiêu chuẩn phòng làm việc. Có ý kiến đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với biến động của nền kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công bao gồm 4 yếu tố cấu thành cơ bản gồm, đối tượng được sử dụng, chủng loại tài sản, số lượng tài sản và mức giá.
Các yếu tố này chịu sự tác động của trình độ phát triển khoa học và công nghệ, thị trường hàng hóa, dịch vụ, chế độ công vụ. Do sự biến động của nền kinh tế và yêu cầu quản lý, nên các yếu tố này thường xuyên phải điều chỉnh theo cho phù hợp.
Thực tế hiện nay, có các tiêu chuẩn , định mức sử dụng đối với tài sản công là trụ sở làm việc, xe ôtô đã được quy định tại các văn bản dưới luật và thường xuyên có sự điều chỉnh.
Mặt khác, những vi phạm về tiêu chuẩn, định mức trong thời gian qua chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện.
“Do đó, để đảm bảo luật có đời sống cao cũng như sự phù hợp của tiêu chuẩn, định mức trong thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như Dự thảo luật, theo đó giao Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô; giao Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản đặc biệt phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; nhà ở công vụ; máy móc, thiết bị văn phòng và các loại tài sản khác được sử dụng phổ biến ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị giao Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý”- ông Hải cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng để đảm bảo sự thống nhất nên giao cho Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô.
Vì nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cho ĐBQH chuyên trách, còn Chính phủ quy định cho thành viên Chính phủ dễ dẫn đến sự không thống nhất, lại vênh nhau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ quan điểm đồng tình vì Chính phủ là nơi quản lý sử dụng tài sản công cho nên khoán xe công nên để cho Chính phủ làm luôn.
Nói như Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, khoán xe công phải có mặt bằng chung chứ không thể cơ quan này thế này, cơ quan kia thế kia. Cho nên giao Chính phủ quy định mức khoán xe công là hợp lý.