Theo thông tin từ sàn đấu giá Sotheby’s Hongkong, bức tranh “Nhà tranh gốc mít” của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ sẽ được đấu giá tại phiên “Modern art day sale” vào ngày 10/10. Điều đáng nói, bức tranh gỗ 3 tấm này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Theo thông báo của nhà tổ chức, tại phiên đấu giá sẽ có nhiều tác phẩm hội họa Đông Dương của Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ... được đưa lên sàn.
Trong đó, bức tranh “Nhà tranh gốc mít” (1957) được cho là của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, 90x118.5cm có giá dự toán là 90.000-130.000 USD. Tuy nhiên, ngay sau nhận được thông tin này, bà Nguyễn Bình Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Việt Nam (con gái của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ) cho biết, bức tranh được mang ra đấu giá là giả.
Bản thân hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ chỉ sáng tác một bản duy nhất bức tranh “Nhà tranh gốc mít” để tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958. Năm 1960 thì chuyển giao về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và hiện vẫn đang được lưu giữ, trưng bày.
Cũng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật, với một sàn đấu giá danh tiếng như Sotheby’s Hongkong để bức tranh giả lọt vào phiên đấu giá không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị mà còn coi thường với mỹ thuật Việt Nam, với người yêu nghệ thuật và với những nhà sưu tập đến từ Việt Nam.
Đây cũng không phải lần đầu tiên một bức giả mạo danh tên tuổi của các hoạ sĩ Việt Nam xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế.
Trước đó, vào tháng 9/2019, 2 bức tranh “Bức thư” của Tô Ngọc Vân và “Hai cô gái trước bình phong” của Trần Văn Cẩn “nhái” cũng đã được Sotheby’s Hongkong mang ra đấu giá. Đặc biệt, bức Family Life (Đời sống gia đình) của hoạ sĩ Lê Phổ cũng bị giới chuyên môn nghi là tranh giả dù bán với giá 1,1 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định, bảo tàng mua tác phẩm năm 1960, sau khi bức sơn mài đoạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc.
Hiện nay bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày bản gốc bức tranh “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Nhưng tác phẩm này chỉ gồm 1 tấm thay vì 3 tấm như Sotheby’s Hongkong rao bán trên mạng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Minh cũng cho rằng, trong nghệ thuật không có khái niệm “tương đương”, chỉ có tranh gốc, tranh giả, tranh nhái.