Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị cần tránh tính hình thức trong lấy ý kiến.
Tiết kiệm, hiệu quả
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Đối tượng lấy ý kiến gồm: các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở Trung ương: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; các cơ quan nhà nước ở địa phương: HĐND, UBND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.
Theo ông Ngân, sẽ lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các hình thức như: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo luật. Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 28/2/2023.
Thẩm tra vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.
Về thời gian lấy ý kiến, 100% các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 - 28/2/2023 trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn. Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/3/2023.
Quan trọng nhất là kết quả lấy ý kiến
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dù chưa tổ chức lấy ý kiến nhưng cá nhân ông đã nhận được nhiều ý kiến rất hay, trong đó có đưa ra các đề xuất. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần xác định cụ thể các đối tượng lấy ý kiến, cách thức lấy ý kiến phải thực chất hiệu quả, tránh hình thức, hiệu quả không được nhiều.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần giám sát việc lấy ý kiến và việc tổng hợp lấy ý kiến, tránh việc “làm khác đi”, làm sao để không xảy ra tình trạng không tổng hợp, và nếu có thì xử lý thế nào. “Quan trọng là hiệu quả trong lấy ý kiến, tránh hình thức làm cho có” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, quan trọng nhất là kết quả lấy ý kiến. Theo đó, ngoài kết quả gửi về Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cần “kênh khác” đó là cần gửi về Quốc hội để chủ động nắm thông tin, xem xét để hoàn thiện dự thảo luật trong quá trình thẩm tra, tránh việc có ý kiến xác đáng vì lợi ích chung của người dân nhưng cơ quan tổng hợp không tổng hợp vào báo cáo. Do đó các ý kiến cần phải gửi về Quốc hội để xem xét đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, luật có phạm vi khá rộng nên cần xác định các nhóm đối tượng lấy ý kiến để tập trung, tránh việc lấy ý kiến chung chung. “Bởi nhân dân và các chuyên gia có cách tiếp cận khác nhau. Do đó đối với chuyên gia cần hỏi các vấn đề khó hơn, khác với lấy ý kiến người dân trong hộ gia đình. Còn nếu hỏi chung chung sẽ khó tổng hợp” - ông Vinh nói và đề nghị có 3 kênh gồm: Quốc hội, và HĐND; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; Chính phủ để giám sát lẫn nhau trong quá trình tổng hợp.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân cần đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức lãng phí.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức lãng phí. Phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp chính quyền, MTTQ Việt Nam. Rà soát các đối tượng lấy ý kiến để đảm bảo việc lấy ý kiến được tập trung đầy đủ, trong đó lưu ý ý kiến của người dân và doanh nghiệp, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến. Việc lấy ý kiến bắt đầu từ 3/1 đến 15/3/2023. Với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua các nội dung của Nghị quyết.
Phát biểu khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 18, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là kỳ họp quan trọng cuối năm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến các nhóm vấn đề. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Về hoạt động đối ngoại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022, trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022.