Câu chuyện các tỉnh “đua nhau” xin xây sân bay, cảng biển đang đặt ra bài toán về quy hoạch giao thông và vấn đề nguồn lực quốc gia. Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia ngành giao thông thì, cần phát triển các loại hình giao thông một cách hài hòa mới tiết kiệm được các chi phí.
PV: Thưa ông, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định không đồng ý quy hoạch sân bay Mộc Châu do đã đưa sân bay Nà Sản ở Sơn La vào quy hoạch cảng hàng không giai đoạn 2021-2030. Ông đánh giá thế nào về vấn đề quy hoạch sân bay hiện nay khi nhiều địa phương xin xây dựng sân bay?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Quy hoạch hệ thống sân bay hiện nay đang bộc lộ tính thiếu khoa học, thiếu hiệu quả. Chúng ta kêu thiếu sân bay nhưng thực tế 2/3 số sân bay hiện đang bị lỗ, thiếu khách, khai thác không hiệu quả. Điều đó cho thấy đầu tư sân bay chưa hợp lý, nhất là sân bay tại các tỉnh quá nhiều trong khi đất nước ta còn nghèo. Trên thế giới cứ 300km mới có 1 sân bay, ở Việt Nam thì chỉ 100 -150km đã có sân bay.
Quy hoạch sân bay chưa tính đến tầm nhìn trong tương lai. Miền Bắc và miền Trung rất nhiều sân bay, trong khi đó Đồng bằng sông Cửu Long rất ít sân bay. Nhất là miền Trung, các tỉnh gần nhau nhưng gần như tỉnh nào cũng có sân bay như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định.
Trong 22 sân bay thì thống kê cho thấy chỉ có 8 sân bay khai thác có hiệu quả. Nhưng cả 2 sân bay khai thác hiệu quả là Nội Bài và TP Hồ Chí Minh đều đang quá tải, thưa ông?
- Một số sân bay quá tải do tầm nhìn của chúng ta kém. Ví như sân bay Nội Bài đáng lẽ cách đây 15 năm đã phải phát triển gấp 3, gấp 4 lần hiện nay rồi. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nên việc xây dựng sân bay Long Thành là hoàn toàn hợp lý để bù cho sự khó khăn của sân bay Tân Sơn Nhất. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai “đầu tàu” của đất nước, là trung tâm kinh tế, chính trị hành chính, du lịch nên lượng người đi rất lớn, dẫn đến quá tải. Do đó xây dựng các sân bay vì tầm nhìn yếu nên chưa đáp ứng kịp yêu cầu đi lại của người dân. Đó là quy hoạch thiếu tầm nhìn. Sân bay Nội Bài cũng như sân bay Tân Sơn Nhất chưa dự báo được lượng khách tăng nên không chạy theo kịp sự phát triển của giao thông. Vì thế 2 sân bay trên bị ứ khách và gây ùn tắc.
Việc tỉnh nào cũng đề xuất xây sân bay, cảng biển đang bộc lộ sự lãng phí, thưa ông?
- Đầu tư mỗi sân bay phải mất khoảng 4.000 tỷ đồng trở lên, và sau 30-40 năm mới hòa vốn. Chúng ta phải quy hoạch lại hệ thống sân bay một cách hợp lý hơn, và phải ngừng ngay việc mỗi tỉnh đều xin xây dựng sân bay. Quan điểm của tôi là không nên xây dựng quá nhiều sân bay, những tỉnh gần nhau thì không nhất thiết đều phải có sân bay. Như các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Bình Định đều có sân bay nhưng lượng người đi rất thưa thớt. Đó là một sự lãng phí.
Bộ Giao thông vận tải cần tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ, cần dành nguồn lực đó để phát triển những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu khác như: đường sắt, hệ thống giao thông nông thôn, và giải quyết ùn tắc tại các thành phố lớn.
Theo quy hoạch được phê duyệt đến 2030 cả nước được phê duyệt thêm 6 sân bay nữa? Ông nhận định sao về quy hoạch này?
- Việc đầu tư cần đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế. Nhu cầu đến đâu xây dựng đến đấy. Nên định hướng người dân đi những phương tiện hợp lý hơn chứ không phải thấy nhiều người đi máy bay là chúng ta xây dựng thêm nhiều sân bay. Nước ta có 63 tỉnh, thành, hiện đã có 22 sân bay, theo chiến lược phê duyệt là 6 sân bay nữa. Như vậy bình quân 2 tỉnh có 1 sân bay, rất bất hợp lý!
Tiền xây dựng sân bay dù từ ngân sách Nhà nước hay ngân sách địa phương thì vẫn là tiền đầu tư công, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả trong đầu tư cho phát triển giao thông hiện nay?
- Ai cũng muốn đi nhanh nhưng vấn đề là đất nước ta đang còn nghèo, đồng lương của cán bộ còn thấp. Nếu xây dựng nhiều sân bay thì lấy đâu ra tiền tăng lương cho cán bộ công nhân viên? Do đó chúng ta phải quan tâm nâng cao đời sống của người dân lên chứ không phải chỉ mỗi chuyện tăng trưởng mạnh. GDP tăng mà đời sống người dân không tăng thì không có ý nghĩa gì cả. Mục tiêu của ta là nâng cao đời sống cho người dân. Việc xây dựng nền kinh tế phải cân đối, hợp lý, không chạy theo thành tích, và mục tiêu cuối cùng là phải nâng cao đời sống cho nhân dân.
Việc “ưu ái” xây dựng sân bay đang cho thấy tính thiếu đồng bộ trong quy hoạch giao thông. Làm sao để cải thiện tình trạng này, thưa ông?
- Chúng ta đang “bỏ quên” đường sắt. Một lĩnh vực nếu phát triển tốt thì sẽ góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế, xã hội. Thế nhưng, đường sắt được đầu tư rất kém nên không thu hút. Trong khi đó, trên thế giới đường sắt thu hút người dân gấp 10 lần máy bay. Chúng ta yếu về mảng đường sắt nên người dân buộc phải đi máy bay, chứ không phải dân ta giàu đến mức lúc nào cũng muốn đi máy bay. Không phải như vậy! Nếu đường sắt Bắc - Nam đạt tốc độ 150km/h thì 2/3 lượng người đi máy bay sẽ đi đường sắt. Loại hình này là phương tiện duy nhất có thể cạnh tranh được với máy bay. Chúng ta đang “bỏ quên” đường sắt, trong khi đó ở các nước phát triển thì đường sắt là lựa chọn quan trọng, là “yết hầu” của giao thông. Ngay cả đường bộ cao tốc thì chi phí vận tải cũng gấp 3 lần so với đường sắt, và chiếm đất gấp 4 lần đường sắt.
Thứ nữa, ít có quốc gia nào mà đường biển dài như nước ta, có biển từ Bắc vào Nam. Chi phí đường biển chỉ bằng 1/4 đến 1/3, đường bộ thôi. Nếu phát huy đường thủy với những đội tàu 1000-2000-3000 tấn chạy từ Bắc vào Nam sẽ giảm được xe container chạy từ Bắc-Nam. Như thế chi phí vận tải giảm, và không phải xây quá nhiều đường cao tốc. Chỉ nơi nào thật cần thì làm cao tốc còn chỗ nào cần đường thủy, đường sắt vươn tới thì nên tận dụng các phương tiện cho hài hoà, hợp lý, giảm chi phí và nâng cao an toàn, giảm ô nhiễm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đầu tư mỗi sân bay phải mất khoảng 4.000 tỷ đồng trở lên, và sau 30-40 năm mới hòa vốn. Chúng ta phải quy hoạch lại hệ thống sân bay một cách hợp lý hơn, và phải ngừng ngay việc mỗi tỉnh đều xin xây dựng sân bay. Không nên xây dựng quá nhiều sân bay, những tỉnh gần nhau thì không nhất thiết đều phải có sân bay.