Quốc tế

Tranh luận về tái thiết sau động đất tại Maroc

Hà Anh 18/11/2023 11:19

Khi trận động đất lịch sử xảy ra ở Maroc vào tháng 9, Ahmed Aazab ôm chặt vợ và bốn đứa con trong lúc những bức tường gạch đổ sập xung quanh họ.

anh-bai-chinh-16-11.jpg
Người dân các vùng nông thôn Maroc có truyền thống làm nhà bằng đá và gạch. Nguồn: AP.

Mái nhà sụp xuống, làm vỡ những chiếc nồi đất sét trong bếp và chôn vùi khung tranh, các cuốn vở bài tập về nhà của lũ trẻ dưới đống đổ nát. Khi mặt đất ngừng rung chuyển, người công nhân xây dựng dẫn 5 người thân của mình đến một công viên.

Trong nhiều thế kỷ, các gia đình ở thị trấn Moulay Brahim thuộc vùng núi High Atlas của Maroc xây nhà bằng đá và gạch đóng tay. Bây giờ họ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là xây dựng lại sau trận động đất và dân làng cũng như các kiến trúc sư đang tranh luận xem làm cách nào là tốt nhất.

Từ Mexico đến Hawaii, nổi lên những câu hỏi về việc xây dựng lại các cộng đồng như thế nào để không khiến chúng tồi tệ hơn sau những thảm họa thiên nhiên. Tại Maroc, chính phủ cam kết trong một tuyên bố vào tuần sau trận động đất rằng, sẽ xây dựng lại “hài hòa với các đặc điểm di sản và kiến trúc”.

Hơn 3.000 người thiệt mạng trong trận động đất hồi tháng 9 ở Maroc và khoảng 1.000 ngôi làng bị hư hại. Nước này có kế hoạch chi 11,7 tỷ USD cho việc tái thiết trong 5 năm tới - tương đương 8,5% GDP. Maroc có kế hoạch phân bổ tiền mặt cho người dân cho các nhu cầu cơ bản. Thêm vào đó là 13.600 USD cho mỗi gia đình có nhà bị phá hủy hoàn toàn và 7.800 USD cho những ngôi nhà bị phá hủy một phần.

Do động đất ở Maroc xảy ra thường xuyên nên người dân và kiến trúc sư đều nhất trí rằng, an toàn phải là ưu tiên hàng đầu. Điều đó đã tạo ra động lực sử dụng các vật liệu xây dựng hiện đại và trở nên mâu thuẫn với cam kết đã nêu của chính phủ nhằm tái thiết phù hợp với di sản văn hóa và kiến trúc của Maroc.

Ở một số nơi, quan chức địa phương đang chờ lệnh từ chính quyền cấp trên đã ngăn chặn những người cố gắng khởi công xây dựng. Điều này gieo rắc sự phẫn nộ khi thời tiết trở nên lạnh hơn, thợ mỏ Ait Brahim Brahim cho biết khi đang ở Anerni, ngôi làng ven núi có 36 người thiệt mạng trong trận động đất.

Nhiều người cho biết, họ hy vọng có thể xây dựng bằng bê tông thay vì gạch nung truyền thống. “Mọi người đều hướng tới sự hiện đại. Không ai quan tâm đến những giá trị truyền thống” - Ait Brahim nói.

Nhưng một nhóm kiến trúc sư và kỹ sư đang phản đối ý kiến này và cho rằng, gạch nung không dễ bị hư hại. Ông Mohammed Hamdouni Alami - Giáo sư tại Trường Kiến trúc Quốc gia Rabat nói rằng, ý tưởng về các vật liệu mới như bê tông là xu hướng của tầng lớp xã hội cao hơn, đã được áp dụng khi các vùng của Maroc đang phát triển nhanh chóng.

“Người dân thấy chính phủ đang xây dựng trên khắp đất nước bằng bê tông và nghĩ rằng đó là vì nó tốt hơn và an toàn hơn. Khi đó, họ sẽ tự hỏi sao phải xây dựng bằng những vật liệu dành cho người nghèo, không an toàn và thô sơ” – Giáo sư Alami nói.

Ông Alami cho rằng, gạch nung từ lâu đã được sử dụng ở những vùng giàu có hay xảy ra động đất như California, Mỹ. Một số tòa nhà nổi tiếng nhất của Maroc cũng được xây dựng bằng gạch, như Cung điện El Badi từ thế kỷ 16 ở Marrakech đã tồn tại trước thử thách của thời gian.

“Vấn đề không phải là dùng vật liệu gì mà là sử dụng kỹ thuật ra sao” – ông Alami nói.

Ông Kit Miyamoto - kỹ sư kết cấu người Mỹ gốc Nhật - dẫn đầu một nhóm gặp gỡ các thợ xây, khảo sát thiệt hại sau trận động đất và đưa ra kết luận tương tự. Báo cáo của nhóm cho biết, họ “không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về hiệu suất địa chấn của hệ thống xây dựng truyền thống hay hiện đại”. Họ kết luận rằng, những ngôi nhà được xây dựng vội vàng bằng sự kết hợp giữa bê tông và gạch rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong trận động đất.

Nhóm chuyên gia cho biết: “Niềm tin chung ở nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng sau động đất trên toàn thế giới là các hệ thống xây dựng truyền thống chắc hẳn là xấu và yếu, trong khi các vật liệu hiện đại như thép và bê tông vốn đã tốt hơn. Thực chất, chất lượng xây dựng kém là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại, không phải do hệ thống vật liệu hiện đại hay truyền thống”.

Ông Miyamoto hy vọng Maroc sẽ xây dựng lại bằng vật liệu mà người dân có khả năng chi trả. Nếu chính phủ chỉ xây dựng lại bằng bê tông tốn kém hơn sẽ dẫn đến khó khăn trong việc sửa chữa trong tương lai nhằm duy trì an toàn địa chấn.

Đề xuất của nhóm ông Miyamoto chỉ ra rằng, việc xây dựng lại phải tuân thủ một bộ quy tắc với các yêu cầu mới về an toàn địa chấn được bổ sung vào năm 2011 (7 năm sau trận động đất dữ dội làm rung chuyển miền bắc Maroc). Bộ quy tắc này bao gồm các phần về nền móng, cốt thép của tòa nhà và không gian lý tưởng giữa các viên gạch, quy định hạn chế số tầng ở những khu vực dễ xảy ra động đất, cấm sử dụng gạch trên nền đất yếu.

Tuy nhiên, mức độ thực hiện theo bộ quy tắc vẫn còn hạn chế, vấn đề nhiều người cho rằng đã gây ra thiệt hại ở các thành phố như Casablanca và các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Ở đó, nhiều bức tường dù làm bằng bê tông hay gạch đất đều thiếu nền móng thích hợp.

Nói về sự an toàn trong việc tái thiết sau động đất, ông Alami cho rằng: “Vấn đề không phải là dùng vật liệu gì mà là sử dụng kỹ thuật ra sao”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh luận về tái thiết sau động đất tại Maroc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO