Việc “khu di tích Bạch Đằng giang” tại Tràng Kênh (Hải Phòng) xây dựng mô hình hơn 180 cọc bịt sắt là sai về sự thật địa hình, địa vật trận Bạch Đằng 1288 và làm sai lệch nhận thức lịch sử…
Cổng Khu di tích Bạch Đằng Giang ở Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng).
“Khu di tích Bạch Đằng giang” ở Tràng Kênh (TP Hải Phòng) đã và đang là điểm đến của nhiều du khách và học sinh, sinh viên.
Ngày 6/10/2017, đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã đến thăm “di tích lịch sử Bạch Đằng giang” với “bãi cọc Bạch Đằng lịch sử” mà thực chất là mô phỏng theo các bãi cọc bên Quảng Yên.
Sự “nổi tiếng” của “Di tích Bạch Đằng giang” tới mức tra Google Maps hay check in trên mạng xã hội Facebook chỉ cho ra kết quả “khu di tích Bạch Đằng giang” ở Tràng Kênh.
Vài năm gần đây, nói đến di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, nhiều người nghĩ đó là “khu di tích chiến thắng Bạch Đằng giang" ở thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng). Thậm chí, check in “khu di tích chiến thắng Bạch Đằng” trên Facebook, kết quả tìm kiếm đều chỉ đến địa điểm trên.
Trong khi đó, bên kia sông Bạch Đằng, thuộc TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), “Di tích lịch sử Bạch Đằng” - di tích gốc ở Quảng Ninh được xếp hạng Khu di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012 thì như dần bị… lấn át, hiểu chưa đúng vị trí, vai trò, giá trị.
Năm 2008, từ công đức của những cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng và các nhà hảo tâm, linh từ Tràng Kênh thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng.
Năm 2009, thêm đền Tràng Kênh vọng đế thờ vua Lê Đại Hành, đền Bạch Đằng Giang thờ Ngô Quyền, rồi lần lượt là đền Mẫu, chùa Trúc Lâm Tràng Kênh (mô phỏng chùa Đồng Yên Tử), đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu nhà bảo tàng... mọc lên.
Năm 2017, Quảng trường Chiến thắng được xây dựng với 3 pho tượng Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo bằng đồng cao 11m, bên cạnh, dưới sông là bãi cọc gồm 180 cọc bịt sắt mô phỏng trận địa cọc xưa…
Công văn của UBND TX Quảng Yên gửi Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh đề nghị điều chỉnh chỉ dẫn trên bản đồ Google Maps về địa điểm di tích Bạch Đằng.
Theo Ban Quản lý khu di tích này, các ngày lễ tiết trong năm tổ chức tại đây gồm có ngày 6 tháng giêng là khai hội; 14 và 15 tháng Giêng là khai ấn Đức Thánh Trần và cầu quốc thái, dân an; 18 tháng giêng là giỗ Ngô Quyền; 8/3 âm lịch giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng; 15/4 âm lịch là đại lễ Phật đản; 21/7 là giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh; 20/8 là giỗ Đức Thánh Trần.
Như vậy, có thể thấy, các công trình kiến trúc tâm linh ở Tràng Kênh đều là được xây mới hoàn toàn trong khoảng 11 năm trở lại đây. Tam quan và nhiều nơi tại đây đều thể hiện dòng chữ “Di tích Bạch Đằng giang”.
Theo Đại cương Lịch sử Việt Nam (Trương Hữu Quýnh chủ biên -NXB Giáo dục 2004, tập 1), các cuốn sử của các triều đại Việt Nam như Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Nam Nhất thống chí, An Nam chí lược và Nguyên sử (nhà Minh, Trung Quốc biên soạn năm 1370) thì trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288, phía Tràng Kênh chỉ là nơi quân nhà Trần phục binh trên núi, trong các áng, lạch sông.
Khi quân Nguyên rối loạn tìm đường chạy ra biển thì các cánh quân từ các áng núi ở Tràng Kênh lao ra đánh hất địch không cho chúng chạy lên núi, đồng thời, dồn thuyền địch vào trận địa cọc ở phía hạ lưu, cửa sông Chanh, sông Kênh, sông Rút.
Những ghi chép này là có cơ sở bởi thực tế địa hình ven sông Bạch Đằng về phía Tràng Kênh là chân núi đá vôi, hoàn toàn không thể cắm, bố trí được bãi cọc.
Việc “khu di tích Bạch Đằng giang” tại Tràng Kênh (Hải Phòng) xây dựng mô hình hơn 180 cọc bịt sắt là sai về sự thật địa hình, địa vật trận Bạch Đằng 1288 và làm sai lệch nhận thức lịch sử của du khách, nhất là học sinh, sinh viên về trận chiến Bạch Đằng năm xưa của cha ông.