Tại phiên tòa kháng cáo xét xử vụ việc liên quan tới sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump trong ngày 8/2, ba vị thẩm phán liên bang đã đồng loạt đưa ra những câu hỏi hóc búa cho các luật sư đến từ Bộ Tư pháp và bang Washington.
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Donald Trump đang đương đầu với cuộc chiến pháp lý khó khăn. (Nguồn: Reuters).
Những câu hỏi hiểm hóc
Trong phiên tòa, các vị thẩm phán đã đưa ra những câu hỏi đối với các luật sư về việc sử dụng quyền lực của Tổng thống, về mối liên hệ giữa 7 nước bị áp đặt lệnh cấm và chủ nghĩa khủng bố, và hàng loạt câu hỏi đầy gai góc liên quan tới việc lệnh cấm này có là một hành động phân biệt đối với người Hồi giáo.
Trong phiên xử được thực hiện qua điện thoại, luật sư đại diện cho Bộ Tư pháp, August Flentjie, đã tranh luận rằng Tổng thống Donald Trump có đủ quyền hạn để ra quyết định về vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia. Ông cho rằng các vị thẩm phán liên bang không có quyền để phán quyết các quyết định hành pháp mà ông Trump đưa ra, trong đó sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen trong vòng 90 ngày.
Ngay lúc bắt đầu, ông Flenjie đã liên tục nhấn mạnh quan điểm của chính phủ Mỹ rằng một tòa án cấp thấp đã vượt quá quyền hạn khi ra phán quyết tạm ngừng chỉ thị của ông Trump hôm thứ Sáu tuần trước.
3 vị thẩm phán liên bang thuộc Tòa án Kháng cáo số 9, ngược lại, liên tục gây sức ép cho ông Flenjie về việc chính phủ Mỹ cần phải chứng minh được rằng 7 quốc gia bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm có liên hệ với chủ nghĩa khủng bố.
“Chính phủ chưa từng đưa ra bất kỳ chứng cứ nào cho thấy các nước này có liên hệ với chủ nghĩa khủng bố” - Thẩm phán Michelle Friedland nói.
Trong khi đó, ông Flenjie phản bác rằng tòa án cấp thấp đã gạt phăng đánh giá của chính quyền về mức độ rủi ro đến từ 7 quốc gia nói trên. “Phán quyết của tòa án khu vực đã bỏ qua đánh giá về an ninh quốc gia của Tổng thống về mức độ rủi ro, và chúng tôi đang đề cập tới rủi ro ở mức có thể chấp nhận được”, ông Flentjie tranh luận.
Thẩm phán William Canby thì thẳng thắn đưa ra câu hỏi rằng liệu Tổng thống có khả năng sẽ cấm tất cả người Hồi giáo tới nước Mỹ hay không.
“Ông ta có thể làm vậy chứ?” - ông Canby đặt câu hỏi - “Liệu có ai đủ khả năng thách thức lệnh cấm đó?”.
Liên tục bị ép phải đưa ra câu trả lời về điều này, luật sư Flentjie đã khẳng định rằng, sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump không phải một lệnh cấm đối với người Hồi giáo nói riêng. Ông thêm rằng một công dân Mỹ có mối liên hệ với ai đó đang tìm cách đến nước Mỹ hoàn toàn có thể thách thức chỉ thị trên của Tổng thống.
Lệnh cấm là phân biệt người Hồi giáo?
Dù tên của Tổng thống Trump không hề được nhắc tới trong suốt phiên tòa kháng cáo, nhưng những bình luận mà ông từng đưa ra vẫn được các thẩm phán và cả luật sư biện hộ nhắc lại.
Đại diện pháp luật bang Washington, Noah Purcell, đại diện cho bang của ông và bang Minnesota - hai khu vực thách thức chỉ thị của ông Trump - đã được yêu cầu giải thích tại sao họ lại cho rằng lệnh cấm nhập cảnh mang yếu tố phân biệt chủng tộc đối với người Hồi giáo.
“Các bạn không cần phải chứng minh nó gây hại với tất cả người Hồi giáo, chỉ cần chứng tỏ rằng hành động này có động cơ đằng sau” - ông Purcell nói.
Ông Purcell đã dẫn bình luận của ông Trump trong lúc tổ chức chiến dịch, và cả của một đồng minh của ông Trump, cựu Thị trưởng New York Rudy Guiliani, người từng tuyên bố rằng ông Trump đã hỏi ông rằng làm thế nào để “lệnh cấm người Hồi giáo” có thể được ban hành một cách hợp pháp. “Đó là chứng cứ chấn động về sự phân biệt”, ông Purcell nói.
Về phần mình, ông Flenjie phản biện: “Sẽ là quá đáng đối với một phiên tòa khi phải đưa ra phán quyết về đánh giá an ninh quốc gia của Tổng thống khi chỉ dựa trên một số bài viết trên báo chí”.
Được biết, ít nhất 2 trong số 3 vị thẩm phán liên bang dường như chấp nhận giới hạn của các vấn đề liên quan tới vụ việc - về việc liệu bên nguyên đơn có khả năng hay cơ sở pháp lý để kiện hay không.
Theo giới phân tích, Tổng thống Trump đang đương đầu với một cuộc chiến pháp lý khó khăn tại tòa kháng cáo với các thẩm phán mang tư tưởng tự do ở San Francisco, dù chưa ai có thể đoán chắc kết quả của vụ kiện. Các tòa cấp cao ở Mỹ thường hiếm khi thay đổi phán quyết sơ thẩm. Vụ kiện được cho là có khả năng sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ.