Từ lâu, mật ong đã được con người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống. Đây là một trong những thực phẩm tinh khiết nhất của tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng, chỉ nên dùng với liều lượng vừa đủ, tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi sử dụng.
Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống đau, giải độc, chữa trị cảm sốt, có tính kháng khuẩn, chống viêm, nâng cao thể lực trong nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm phế quản mãn viêm thần kinh da, viêm gan, xơ gan, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Ngoài các công dụng trên, mật ong còn được sử dụng như một chất tá dược, chế biến phối hợp của nhiều loại thuốc khác nhau dùng cho người và động vật.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thành phần dưỡng chất của mật ong rất phong phú. Lượng nước trong mật ong khoảng 16-25%, loại tốt dưới 18%. Hàm lượng nước càng thấp chứng tỏ chất lượng càng tốt. Lượng đường 70-80%, chủ yếu là đường đơn glucoza dễ hấp thu. Lượng đường kép như đường mía, mạch nha, không được vượt quá 5%... Trong mật ong thường có trên 16 loại vitamin như B1, B2, C, E, PP, K… Các vitamin này rất cần cho quá trình tiêu hóa, phát triển, chống oxy hóa và chống lão hóa cơ thể.
Vì thành phần dinh dưỡng đặc biệt của mật ong, một số nghiên cứu đã chỉ ra, cần sử dụng loại thực phẩm này một cách khoa học. Theo Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, mật ong được coi là an toàn khi dùng bằng đường uống với liều lượng được khuyến nghị (2-3 muỗng canh).
Nhưng cần lưu ý: Tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong vì mật ong nguyên chất là nguồn tiềm ẩn của bào tử gây ngộ độc. Mật ong nguyên chất không gây nguy hiểm cho trẻ lớn hoặc người lớn, có thể sử dụng mật ong miễn là họ không bị dị ứng. Bên cạnh đó, những ai bị dị ứng hoặc nhạy cảm với cần tây, phấn hoa hoặc bị các bệnh dị ứng khác liên quan đến ong, thì không nên sử dụng mật ong nguyên chất với lượng nhiều. Mật ong từ thực vật trong chi Đỗ quyên (Rhododendron) cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng do độc tính.
Mặc dù mật ong là một trong những chất ngọt lành mạnh nhất, nhưng vẫn nên được sử dụng ở mức độ vừa phải. Vì ăn nhiều mật ong có thể dẫn đến say mật ong. Các tác dụng phụ khi say mật ong có thể bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, nôn mửa, đổ mồ hôi. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn của việc tiêu thụ mật ong sẽ khó xảy ra trừ khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều.
Ngoài ra, khi đun ở nhiệt độ cao, mật ong đã được chứng minh là tạo ra hydroxymethyl furfuraldehyde (HMF). Một nghiên cứu năm 2010 phát hiện ra rằng khi bị nung nóng từ 60 độ C đến 140 độ C, HMF đã tăng lên đáng kể. HMF có thể gây ra các tác động có hại và được coi là chất gây ung thư.
Nên dùng trực tiếp mật ong tươi nguyên chất, hoặc hòa loãng trong nước ấm, nước nguội, sữa, nước hoa quả..., không nên pha trong nước sôi hoặc đun kỹ trong nước sôi do nhiều chất dinh dưỡng vitamin, chất khoáng hoặc men sẽ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Không nên pha mật ong cùng rượu có độ cồn cao, làm lắng tủa và biến tính nhiều thành phần hữu cơ của mật ong.