Cuối tuần qua, Cục nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã chính thức ra văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước 1975. Văn bản này tạm thời khép lại những ồn ào kéo dài hơn 1 tháng qua xung quanh việc cấp phép ca khúc bấy lâu nay. Dẫu thế, chuyện đã cấp phép rồi rút phép, rồi lại cho phép, hoặc đính chính văn bản… vẫn đang là mối lo thường trực với nhà tổ chức, các nghệ sĩ và cả công chúng.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, quản lý văn hóa nghệ thuật có tới 3 vụ việc liên quan tới sửa sai văn bản. Điển hình là trường hợp ca khúc “Màu hoa đỏ” (Sở VHTTDL Tiền Giang ra văn bản cấm phổ biến, lưu hành), rồi lại thu hồi văn bản cấm lưu hành.
Tháng 3, Bộ VHTTDL có văn bản đề nghị Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam dừng việc tổ chức vinh danh công nhận “Cây di sản”; “Việt Nam linh thiêng cổ tự”; “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; “Nghệ nhân”… khi những hoạt động này chưa có qui định pháp luật cho phép thực hiện.
Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, Bộ VHTTDL lại có văn bản đính chính rằng: văn bản ban hành trước đó mang tính khuyến cáo… Và ồn ào nhất, thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng nhất chính là vụ việc 5 ca khúc sáng tác trước 1975.
Liệu đó đã đủ là bài học để những câu chuyện tương tự không lặp lại? Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: rõ ràng cần phải xem lại năng lực cán bộ làm công tác quản lý văn hóa hiện nay.
Theo ông những văn bản cấm thời gian qua mang ý chí cá nhân, thể hiện trình độ, năng lực nhận thức của cán bộ; thể hiện những lỗ hổng về văn hóa, lỗ hổng trong quản lý văn hóa - nghệ thuật nói chung.
Trên thực tế, chuyện đã cấp phép rồi rút phép… với những lý do không rõ ràng đã không đủ sức thuyết phục nghệ sĩ và công chúng. Chính vì thế mà việc thu hồi các văn bản cấm của nhà quản lý đã chứng minh rằng phần thắng đã nghiêng về công luận, về công chúng yêu nhạc.
Viện dẫn những văn bản hành chính để lý giải cho việc quản lý ca khúc cũng chính là một rào cản hành chính đối với sáng tác và thưởng thức nghệ thuật.
Trong khi với sản phẩm văn hóa đặc thù có thể có những cách quản lý khác mà vẫn đạt hiệu quả. Đó là việc cho phép người ta làm những điều gì mà luật pháp không cấm và ngược lại.
Nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao không công khai danh mục ca khúc cấm? Cụ thể là các ca khúc sáng tác trước 1975? Liệu việc đăng ký bản quyền ca khúc của các chủ sở hữu đã bao gồm việc duyệt nội dung hay chưa?...
Nhà quản lý cho hay rất khó có thể đưa ra được danh sách những bài hát bị cấm vì Cục không thể bao quát hết được số lượng tác phẩm sáng tác trước năm 1975 là bao nhiêu…
Tuy nhiên, sau vụ việc ồn ào vừa qua, lãnh đạo Cục NTBD cho hay sẽ tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm đối với bộ phận tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 nêu trên.
Trong thời gian tới, Cục NTBD sẽ phối hợp với Sở VHTTDL, Hội VHNT các tỉnh, thành thu thập tư liệu các bài hát sáng tác trước năm 1975 chưa được phổ biến để tổ chức Hội đồng thẩm định, cập nhật, bổ sung vào danh mục cho phép phổ biến.