Mùa tuyển sinh năm 2024, tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học (ĐH) vẫn bị lặp lại. Đây là bài học cho những thí sinh dự thi năm 2025 và những năm tiếp theo để không có tình trạng điểm cao vẫn trượt ĐH hoặc đỗ nhưng không học đợt 1 mà chờ xét tuyển bổ sung, dù có cơ hội nhưng cũng ít hơn.
Hơn 9 điểm/môn vẫn rớt
Năm 2023, cả nước có 25 ngành có điểm chuẩn xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 28 điểm trở lên. Tới năm 2024 ghi nhận 117 ngành/chuyên ngành thuộc các trường ĐH có điểm chuẩn từ 28 trở lên, cao gấp hơn 4 lần so với năm trước. Như vậy, để vào những ngành này thí sinh phải đạt trung bình từ 9,34 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển.
Điều này dẫn đến tình trạng không ít thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH. Minh Hòa (ở Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, em đạt được 27,8 điểm tổ hợp khối C00, mức điểm được xem là hiếm có ở trường THPT nơi em theo học 3 năm cấp 3. Khi biết điểm, không chỉ Hòa và gia đình vui mừng mà thầy cô giáo, bạn bè cũng chúc mừng rất nhiều. Cân nhắc sở thích và điều kiện gia đình, Hòa đăng ký ngành sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của các trường có mở ngành đào tạo này ở miền Bắc. Nhưng 20 nguyện vọng là xét tuyển đều… trượt trong sự ngỡ ngàng của em và gia đình.
“Em theo dõi dự báo của các chuyên gia cũng biết năm nay điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ cao, nhưng không ngờ đăng ký tới 20 nguyện vọng rồi vẫn không đỗ nguyện vọng nào. Trong lần xét tuyển bổ sung này, em rẽ hướng sang nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, hy vọng còn cơ hội vào ĐH” - Hòa nói.
Trên thực tế, không chỉ riêng Hòa mà nhiều học sinh khác cùng chung nỗi niềm như vậy dù thi điểm rất cao. Điều này cho thấy nếu thí sinh không tỉnh táo khi đăng ký xét tuyển thì nguy cơ trượt ĐH dù đăng ký tới hàng chục nguyện vọng cũng có thể xảy ra.
Trước và trong mỗi mùa tuyển sinh, các chuyên gia đều khuyến cáo thí sinh về chiến lược chọn trường sao cho phù hợp và không gây nuối tiếc sau đó. Trong đó, với việc đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, việc thí sinh rớt ĐH xuất phát từ sự chủ quan khi đặt nguyện vọng chỉ dựa vào điểm số của mình mà không dựa trên sự phân tích tổng thể tình hình chung.
Chuẩn bị các điều kiện cần
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Tài chính – Marketing) cho rằng, để đảm bảo an toàn, thí sinh nên sắp xếp thêm những ngành đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vào phía dưới, đề phòng trường hợp không trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, dù thí sinh ưu tiên những ngành mình thích nhưng nếu điểm số những ngành này quá cao, vượt hơn năng lực của thí sinh thì có thể chọn thêm những ngành học cùng thuộc khối ngành mình yêu thích để đặt nhiều nguyện vọng.
Ví dụ, thí sinh yêu thích ngành Marketing nhưng tất cả các phương thức xét tuyển ở ngành học này không trúng tuyển thì có thể tìm hiểu và đăng ký ngành Quản trị kinh doanh, Truyền thông đa phương tiện hay Quan hệ công chúng... Bởi, đây được xem là những ngành gần, mang tính liên ngành với Marketing để có thể lựa chọn học.
Một giải pháp khác các chuyên gia khuyến cáo đó là không nên đăng ký quá ít nguyện vọng. Ngoài nguyện vọng chính, thí sinh nên chuẩn bị nguyện vọng dự phòng như đặt một số nguyện vọng bao gồm các trường có điểm chuẩn thấp hơn hoặc các trường khác có cùng ngành học.
Thống kê mỗi mùa tuyển sinh có tới hàng chục phương thức xét tuyển khác nhau nên ảnh hưởng tới chỉ tiêu dành cho phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, lời khuyên cho các thí sinh đó là nếu tham gia được càng nhiều phương thức thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn. Có thể chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi riêng do các ĐH tổ chức, chuẩn bị cho các kỳ thi SAT, thi ngoại ngữ… để tham gia các phương thức xét tuyển sớm cho các trường đưa ra. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ người học, không đơn giản chỉ là các kiến thức trong nhà trường, trên lớp mà còn tự học, tự bồi dưỡng các kỹ năng khác đáp ứng các kỳ thi hiện có.
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam) nhìn nhận, việc nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH ít nhiều gây hoang mang cho thí sinh và xã hội. Thậm chí, trường hợp như các năm trước, thủ khoa cả nước cũng không trúng tuyển nguyện vọng 1 do cách tính điểm chuẩn của trường khác biệt hoặc điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 khiến thí sinh không có điểm cộng gì cũng thấy lo lắng.
“Ở thời điểm này, việc thí sinh cố gắng tham gia tất cả các kỳ thi đánh giá năng lực, phỏng vấn, thi chứng chỉ ngoại ngữ… không chỉ một lần, thậm chí nhiều lần để đạt điểm số cao nhất đang được cho là tận dụng mọi phương thức xét tuyển để không bỏ sót cơ hội. Nhưng như vậy, không giảm áp lực mà còn tăng thêm áp lực cho thí sinh và xã hội. Tôi ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp rốt ráo cho vấn đề xét tuyển sớm trong thời gian sắp tới để đảm bảo quyền lợi thí sinh” - TS Lê Viết Khuyến nói.