Một vấn đề khiến dân bức xúc trong thời gian qua, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đó là nạn phí chồng phí, lạm thu là vì có nhiều khoản thu trùng lắp, chồng chéo như phí kiểm dịch, phí đường bộ… ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất, MTTQ các cấp, các đoàn thể xã hội phải rà soát, giám sát các khoản phí đang thu.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại Hội trường, ngày 11/11.
Chiều 11/11, ĐBQH thảo luận tại hội trường đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Phí, lệ phí.
Phí, lệ phí phải hợp lý
Góp ý kiến vào dự luật, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, phí và lệ phí được ban hành phải tương xứng chất lượng, số lượng dịch vụ công giúp cơ quan công quyền tốt lên, nếu không sẽ trở thành công cụ để tận thu. ĐB đề nghị cân nhắc thu phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
ĐB Huỳnh Văn Tính cũng nêu ra thực tế, có nhiều mức thu phí, lệ do phí địa phương tự quyết nhưng không nhất quán như phí tham quan cao hơn quy định của Nhà nước, gây bức xúc cho người dân. “Vì vậy, cần ban hành cơ chế phạt nếu để mức phí tăng quá cao”- ĐB Huỳnh Văn Tính kiến nghị.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt ra nhiều nguyên tắc trong việc thu phí, đó là: phí và lệ phí phải hợp lý, không phải là một loại thuế trá hình. ĐB dẫn chứng việc thu phí hạ tầng giao thông, ở nhiều nước, hạ tầng, giao thông cầu đường chỉ thu phí nếu chứng minh được cải thiện tốt hạ tầng giao thông. Người dân có quyền khiếu kiện nếu chất lượng dịch vụ này quá kém.
Do đó, “nếu quy định có những loại phí để bù đắp chi phí phải nói rõ. Lệ phí cũng vậy, nguyên tắc là không vượt trần chi phí hợp lý”- ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Về thẩm quyền của HĐND, vẫn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, phải có tiêu chí để tránh nơi quản lý yếu kém gây lãng phí hoặc đặt ra mức phí, lệ phí quá cao lúc đó người dân trong địa phương đó không biết làm gì, không biết khiếu nại ai, không biết phản đối thế nào, vì vậy cần một người “thổi còi” trong vấn đề này.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, cần thiết phải đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi Dự thảo Luật, tuy nhiên, cần phải thực hiện có lộ trình, cần sự hỗ trợ của ngân sách, không gây bất lợi cho đồng bào nghèo, ở vùng sâu, vùng xa.
Minh bạch thu - chi
Đề cập đến nguyên tắc thu bù chi trong dự luật, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) mức thu phải thể hiện tính phục vụ, nếu theo nguyên tắc thu bù chi là mang tính chất kinh doanh. Với quy định khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công trong luật, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, chỉ khuyến khích xã hội hóa với những dịch vụ Nhà nước không đầu tư chứ không khuyến khích xã hội hóa bằng mọi giá. Đặc biệt, phải minh bạch thu phí để dân biết thu bao nhiêu chi bao nhiêu.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị bỏ cụm từ “khuyến khích xã hội hóa” vì nhiều trường hợp lợi dụng để tư nhân hóa.
“Nếu tư nhân hóa thì Nhà nước phải giảm thuế tương ứng vì người ta đã đóng thuế rồi để được cung cấp dịch vụ. Nay nếu giao cho tư nhân, người dân phải đóng một lần nữa là vô lý. Nếu tư nhân hóa rẻ hơn thì khuyến khích, còn tạo thêm gánh nặng cho người dân thì không được, tránh tạo lợi thế tự nhiên cho tư nhân”- ĐB Nghĩa đề xuất.
Một vấn đề khiến dân bức xúc trong thời gian qua, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đó là nạn phí chồng phí, lạm thu là vì có nhiều khoản thu trùng lắp, chồng chéo như phí kiểm dịch, phí đường bộ…
“Nếu giao Chính phủ quy định mức thu thì phải có danh mục chi tiết, công bố hằng năm và phải có giám sát, nếu giao khoán hoàn toàn cho Chính phủ như trước đây mà thiếu giám sát sẽ lặp lại tình trạng lạm thu như trước đây”- bà Quyết Tâm nói.
Về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất, MTTQ các cấp, các đoàn thể xã hội phải rà soát, giám sát các khoản phí đang thu tránh trùng lắp, trở thành gánh nặng cho người dân.