Mặc dù có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và mới đây là Hiến pháp 2013... quy định về việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, để đảm bảo HĐXX đưa ra phán quyết đúng đắn, khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Song trên thực tế, nhiều luật sư khẳng định quan điểm biện hộ của họ đã không được TAND các cấp để tâm xem xét một cách nghiêm túc đúng mức. Từ đó dẫn đến thực trạng là luật sư cứ tha hồ “cãi”, HĐXX
Thực trạng “án tại hồ sơ” cũng đã được chính Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình không dưới một lần thừa nhận trong những lần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Chánh án TAND Tối cao khẳng định, để xét xử đúng người, đúng tội, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... TAND các cấp cần quán triệt rõ: Bên cạnh việc nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, xác minh cẩn trọng chứng cứ, áp dụng pháp luật chính xác trong đánh giá, nhận định vụ án của HĐXX phải công tâm và có tư duy pháp lý khoa học. Muốn vậy, việc tranh tụng công khai tại phiên tòa là một khâu quan trọng giúp HĐXX nhìn nhận đúng bản chất, sự thật của vụ án, trên cơ sở đó đưa ra những phán quyết có căn cứ đúng pháp luật, đảm bảo khách quan, công bằng, thấu tình, đạt lý.
Tại Khoản 5, Điều 103, Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa phải được bảo đảm”. Nghị quyết số 37/NQ-QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm cũng đã khẳng định yêu cầu: TAND các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, nhấn mạnh: “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Song thời gian qua, nhiều HĐXX của TAND các cấp đã không hoặc chí ít là chưa thực hiện nghiêm túc các quy định trên. Do không coi trọng việc lấy lời khai của nhân chứng, bị can, bị cáo tại tòa, không quan tâm đến quan điểm lập luận bào chữa của luật sư nên đã có không ít người vô tội bị kết án oan, trong khi thủ phạm thực sự nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Cũng may là tại báo cáo của Chánh án TAND Tối cao trước Quốc hội mới đây đã cho thấy, ngành này xác định việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là một trong ba giải pháp đột phá quan trọng của hệ thống Tòa án (gồm: “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa án”, “Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Tòa án” và “Đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ”). Đồng thời, TAND Tối cao cũng đã chỉ đạo TAND các cấp cần phải tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật... chứ không được để tồn tại tình trạng tranh tụng... cho vui.