Hội nhập kinh tế ngày càng giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách giao thương với các nước, khu vực. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay Việt Nam chưa thể giải quyết đó là năng suất lao động thấp, thị trường trong nước lỏng lẻo và có nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Theo dự báo, khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) số lượng việc làm của Việt Nam tăng 14,5% vào năm 2025. Dự báo nêu rõ, Việt Nam chiếm 15% tổng lực lượng lao động của AEC.
Thế nhưng một thực tế đáng buồn đang tồn tại hiện nay là năng suất lao động của Việt Nam nằm ở mức khá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 50% các nước ASEAN.
Song song với năng suất lao động thấp, trình độ công nghệ lạc hậu cũng góp phần không nhỏ kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Bùi Quang Vinh cho biết, tính đến năm 2012 có đến 88% các công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam ở dạng trung bình và thấp, chỉ có 12% là công nghệ cao.
Tuy nhiên, công nghệ mà Việt Nam có đến năm 2012 là công nghệ cuối năm 1940 đến 1970. Riêng 12% tiếp cận công nghệ cao lại chủ yếu là lắp ráp.
“Không tạo ra năng suất lao động tốt rất khó khăn cho nền kinh tế. Để tăng tăng suất đầu tàu phải là doanh nghiệp. Song tình hình sức khỏe doanh nghiệp không khả quan là bao, thay vì lớn mạnh hơn doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ bé hơn”, ông Bùi Quang Vinh nhận định.
Bên cạnh năng suất lao động thấp, việc phát triển thị trường trong nước cũng đang được cảnh báo là có vấn đề. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, năm 2017 - 2018 là thời điểm Việt Nam đón nhận những bước triển khai mới của hội nhập.
Và, có thể nói chưa bao giờ Việt Nam có những bước hội nhập ồ ạt như giai đoạn qua, với hàng loạt những điểm nhấn thương mại quan trọng.
Tuy nhiên một bất cập đang tồn tại hiện nay là doanh nghiệp chỉ tính đến chuyện vươn ra thị trường thế giới mà bỏ quên sân nhà. Trong khi thị trường trong nước là mảnh đất màu mỡ với sức tiêu thụ không nhỏ (90 triệu dân).
Thị trường nội địa đang được doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao vì dư địa các lĩnh vực còn khá lớn. Chính vì vậy, thời gian qua doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác không ngừng đổ bộ vào Việt Nam nhằm chiếm vị trí độc tôn với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Riêng mặt hàng rau củ quả, sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan tràn ngập. Trước sự thâm nhập ồ ạt của doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp bán lẻ nội địa không thể cạnh tranh mặc dù các hàng rào thuế đã gỡ bỏ hoàn toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp Việt yếu từ nội tại.
Quan trọng hơn cả, khó khăn mang tính cạnh tranh bấy lâu nay chưa có biện pháp kéo giảm chính là chi phí giá thành sản phẩm quá cao.
Chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đang ở mức cao, và buồn hơn là xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 1989 đầu vào của Việt Nam chiếm khoảng 43,8% giá thành, đến năm 2012 lên tới 63,4%. Mặt khác, tỉ lệ tiết kiệm trên GDP của Việt Nam luôn thấp hơn tỉ lệ đầu tư trên GDP. Và tỉ lệ tiết kiệm cũng đang có xu hướng giảm dần, năm 2004 tỉ lệ tiết kiệm của là 28,6%, năm 2012 còn 27,1%.
Vấn đề đặt ra, muốn giữ vững và phát triển thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động về công nghệ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.