Với việc tham gia các sàn đấu giá quốc tế, các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn lập các kỷ lục về “siêu phẩm đấu giá”.
Xô đổ các kỷ lục
Mới đây, bức tranh sơn dầu kích thước 135,5 x 80cm được thực hiện vào năm 1930 “Chân dung Madam Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) được nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông bán ra và đạt mức giá 3,1 triệu USD (tương đương gần 72,5 tỷ đồng). Đây cũng là mức giá kỷ lục dành cho tranh Việt trên thị trường quốc tế. Tác phẩm “Chân dung Madam Phương” vốn nằm trong bộ sưu tập tranh của Dothi Dumonteil, một phụ nữ gốc Việt, trong nhiều thập kỷ.
Trước đó, khi được đem trưng bày tại Paris (Pháp) hồi năm 1931, tác phẩm đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà sưu tầm và sớm được hỏi mua. Nhà đấu giá Sotheby’s miêu tả bức tranh là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Trung Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ…
Lý giải vì sao “Chân dung Madam Phương” đạt mức đấu giá kỷ lục, hoạ sĩ Mai Đại Lưu cho biết, đây có lẽ là tác phẩm có giá cao nhất từ trước đến nay trong nền mỹ thuật Việt Nam. Sở dĩ tác phẩm này được định giá cao như vậy là vì lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam được giới mỹ thuật quốc tế đánh giá cao kể từ khi thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925.
Bản thân hoạ sĩ Mai Trung Thứ là thế hệ đầu tiên của ngôi trường này. Họa sĩ Mai Đại Lưu cũng phân tích, bức “Chân dung Madam Phương” có điểm rất khác biệt về bút pháp và tạo hình. Thông thường, trong một quá trình hoạt động nghệ thuật, tác giả sẽ cho ra những tác phẩm khác biệt và xuất sắc. Đó là những tác phẩm được giới nghiên cứu và sưu tầm đánh giá cao. Do đó, tác phẩm này được định giá 3,1 triệu USD, tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh tác phẩm của hoạ sĩ Mai Trung Thứ trước đó mỹ thuật Việt đã có hàng loạt tác phẩm cán mốc đấu giá “triệu đô” trên các sàn quốc tế. Đơn cử ngay tại phiên đấu giá bức “Chân dung Madam Phương”, tác phẩm “Phong cảnh chùa Thầy” của hoạ sĩ Phạm Hậu cũng được “gõ búa” với giá 1 triệu USD.
Trước đó, hoạ sĩ Lê Phổ với 3 bức “Đời sống gia đình” được đấu giá đạt gần 1,2 USD năm 2017, bức “Nude” đạt 1,4 triệu USD năm 2019, bức “Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn” đạt 1,1 triệu USD và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân với bức “Vỡ mộng” đạt 1,1 triệu USD…
Với những thành công trên không thể phủ nhận những năm qua các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam nói chung và của các hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương nói riêng đang chiếm một vị thế lớn tại các sàn đấu giá quốc tế. Tại nhiều phiên đấu giá quốc tế với sự tham gia của các họa sĩ Đông Dương, khi buổi đấu giá bắt đầu, căn phòng chật kín người, không còn ghế trống.
Nhưng sau khi tranh của các họa sĩ Đông Dương vừa được đấu giá xong, căn phòng đã vơi hơn một nửa. Điều này chứng tỏ rằng có rất đông người quan tâm đến mỹ thuật Đông Dương nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung.
Không chỉ khẳng định thương hiệu bởi các tác phẩm của các “cây đa, cây đề” trong làng mỹ thuật Việt thời gian qua các hoạ sĩ đương đại cũng đang dần khẳng định mình tại các sàn đấu giá công khai trong nước. Có thể kể đến, tác phẩm “Cát Bà 7” của họa sĩ Trần Lưu Hậu được bán ra với giá gần 800 triệu đồng - một mức giá đáng mơ ước đối với một họa sĩ đương đại. Hay tác phẩm “Cá voi” của Phạm An Hải được bán với giá gần 500 triệu đồng. Tác phẩm “Young Lady” của Nguyễn Trung bán gần 350 triệu đồng…
Xây dựng thị trường
Có thể thấy, với những con số đấu giá kỷ lục cho thấy mỹ thuật Việt đang có một sự chuyển mình khá tích cực. Tuy nhiên, để thị trường mỹ thuật Việt có thể vươn ra “biển lớn” và tạo được uy tín rất cần những biện pháp để giải quyết vấn nạn tranh giả hoành hành trong suốt những năm qua.
Bởi thực tế ngay các tác phẩm mỹ thuật Việt thời kỳ Đông Dương sau một thời gian dài vẫn còn được yêu mến, thậm chí được săn lùng và được đẩy giá cao tại các phiên giao dịch. Từ đó cho thấy các hoạ sĩ Việt Nam về tài năng không kém các họa sĩ lớn của thế giới.
Thế nhưng có một thực tế các tác phẩm càng nổi tiếng bao nhiêu thì số lượng tranh giả lại suất hiện nhiều bấy nhiều, thậm chí ngay tại các sàn đấu giá quốc tế. Theo nhà nghiên cứu Phạm Long, mỗi lần xuất hiện tranh giả đem đấu giá ở thị trường quốc tế, giới sưu tập tranh, những nhà hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, giới họa sĩ và gia đình của những họa sĩ có liên quan rất bức xúc lên tiếng ở mạng xã hội cũng như các diễn đàn.
Tuy nhiên, tình hình thay đổi không nhiều do luật của chúng ta còn yếu và việc thực thi pháp luật còn kém. Chúng tôi thường đặt câu hỏi, tại sao tội phạm về tiền giả khi bị phát hiện là bị khởi tố, bị đi tù nhưng chưa có vụ án nào về tranh giả, tranh chép được phát hiện mà những người có liên đới bị xử lý nghiêm khắc? Điều đấy dẫn tới hệ quả là tình trạng tranh nhái, tranh chép ngày một nặng nề và có nguy cơ lan rộng.
Đồng quan điểm, theo hoạ sĩ Bùi Thanh Tâm, Việt Nam chưa thực sự có thị trường tranh. Cơ bản mới chỉ có một số người yêu nghệ thuật mua tranh còn thực sự yêu tranh hay đầu cơ thì tôi không rõ nhưng đó vẫn là việc săn đón mua những tác giả trong vòng an toàn. Bên cạnh đó là chưa tạo ra được việc giao dịch trao đổi, mua bán các tác phẩm đi ra với thế giới mà mới chỉ dừng lại ở việc các đại gia Việt gom mua về. Vậy chỉ mới là người Việt tự mua cho người Việt.
“Để nâng tầm thực sự cho nghệ thuật Việt thì còn quá nhiều việc phải làm. Đặc biệt, phải thúc đẩy được việc mua bán các tác phẩm của các tác giả còn đang sống sáng tác, đưa họ ra với thế giới đến với các nhà sưu tập, các bảo tàng quốc tế thì mới hy vọng vào một thị trường nghệ thuật đúng nghĩa trong tương lai”, hoạ sĩ nói.