Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4.
Tại buổi lễ, BTC đã trao giải về tiểu thuyết có 2 Giải A, 3 Giải B, 4 Giải C và 7 Giải Khuyến khích; Về ký và truyện ký có 1 Giải A, 2 Giải B, 1 Giải C và 1 Giải Khuyến khích.
Trong đó 2 giải A ở thể loại Tiểu thuyết được trao cho tác phẩm “Phận liễu” của nhà văn Chu Thanh Hương và “Rễ người” của nhà văn Đoàn Hữu Nam. Ở thể loại ký giải A được trao cho tác phẩm “Đối mặt với sói” của tác giả Phan Thế Cải.
Cuộc thi được phát động vào tháng 8/2017. Ở lần thứ 4 tổ chức cuộc thi này, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà văn sáng tác.
Để các cây bút thâm nhập thực tế và thể hiện tác phẩm của mình một cách tốt nhất, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị Thường trực cuộc thi tổ chức các trại sáng tác thường niên, chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà văn có những chuyến đi thực tế bổ ích, được cung cấp các nguồn tư liệu, tiếp xúc với các nhân vật để có thêm những thông tin thiết thực tạo chất liệu cho các sáng tác.
Theo đánh giá của BTC, sau 3 năm triển khai đã nhận được hơn 120 bản thảo tham dự và hưởng ứng cuộc thi. Trên cơ sở ấy, đã chuyển bản thảo đến các biên tập viên Nhà xuất bản Công an nhân dân để đọc, nhận xét bản thảo, giúp BTC sơ loại những tác phẩm chưa đạt yêu cầu, định hướng được cộng tác viên, các cây viết chú trọng vào từng mảng đề tài cụ thể, cách khai thác cụ thể, góp ý tác giả chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tác phẩm. Sau đó, chuyển tới Ban Sơ khảo 88 tác phẩm, bao gồm 78 tiểu thuyết, 10 truyện ký và ký.
Việc viết tiểu thuyết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” không hề dễ. Bởi tuy địa bàn, phạm vi phản ánh của đề tài rất rộng, không chỉ về hình tượng người chiến sỹ công an, mà còn là những vấn đề đời thường, liên quan tình hình an ninh trật tự và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng phản ánh được, phản ánh đúng và trúng về cuộc sống và công việc của người chiến sỹ công an là việc không dễ dàng, đòi hỏi quá trình thực tế tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu của người viết (ví dụ: vấn đề thuật ngữ, vấn đề nghiệp vụ công tác công an…).
Bên cạnh đó, kỹ thuật viết của các cây bút không đồng đều. Như nhận xét của các thành viên Ban giám khảo:Đa số tác giả viết tiểu thuyết chưa có khả năng tiết chế nên thường viết dài, cho dù cơ chế đọc hiện nay đòi hỏi nhà văn viết ngắn...