Ngày nay, xã hội đã có cái nhìn “thoáng” hơn về hình xăm. Việc xăm một hình ảnh, một dòng chữ trên cơ thể là điều bình thường ở các bạn trẻ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi tốt - xấu xung quanh vấn đề này.
Tại Việt Nam, trước đây, người ta quan niệm chỉ có dân giang hồ hoặc tội phạm mới xăm mình. Trong giới này, thứ bậc cao thấp được thể hiện qua bốn loại hình xăm: nhất điểu, nhị ngư, tam xà, tứ tượng.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, con người có cái nhìn “thoáng” hơn về hình xăm. Việc xăm một hình ảnh, một dòng chữ trên cơ thể là điều bình thường ở các bạn trẻ. Họ tìm đến xăm mình như là cách để đánh dấu một kỷ niệm riêng cho bản thân.
Tuy nhiên, do suy nghĩ lệch lạc, nhận thức chưa đúng đắn, nhiều bạn trẻ cố tình xăm lên người những họa tiết không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
“Đột nhập” cơ sở xăm mình
Theo khảo sát của PV Đại Đoàn Kết Online, phần đa các cơ sở xăm mình đều đón lượng khách hàng lớn thuộc độ tuổi từ 18 đến 25. Họ tìm đến cơ sở xăm mình vì nhiều lý do, có nhiều nguyên nhân “nực cười” phải kể đến như: vừa thất tình, hôm nay buồn, đánh dấu chủ quyền… Mỗi một hình xăm đều mang một ý nghĩa khác nhau ẩn sau đấy là những câu chuyện ít người biết.
Là chủ cửa hàng xăm có tiếng trên phố Hàm Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Nguyễn Việt Thanh (32 tuổi) đã có gần 7 năm kinh nghiệm trong nghề xăm mình. Anh Thanh cho hay, thời gian gần đây, giới trẻ tìm đến cửa hàng của anh đông hơn nhiều so với trước.
Anh Thanh thông tin, khách hàng tìm đến xăm mình khá đa dạng, chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 18 - 25. Cửa hàng của anh Thanh chỉ nhận xăm cho khách hàng trên 18 tuổi, tuy nhiên đối với một số trường hợp đặc biệt như trẻ em mắc các bệnh về tâm lý, anh vẫn sẽ xăm tên, số điện thoại và địa chỉ người thân, để nếu chẳng may đi lạc ai nhìn thấy có thể giúp đưa về tận nhà.
Anh Thanh cho rằng, việc giới trẻ tìm đến các cơ sở xăm mình để khắc lên da những hình ảnh vô nghĩa là điều không cần thiết. Bởi, quá trình xăm sẽ gây ra đau đớn, giới trẻ có ít kinh phí vì vậy thường tìm tới một số cơ sở xăm mình “chui”, không được đào tạo bài bản sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Thông thường, khách hàng khi đến xăm mình đều thắc mắc về giá cả của hình xăm. Đa phần là hỏi giá. “Thế nhưng, nếu chỉ quan tâm về giá cả mà không quan tâm về chất lượng thì đó là một sai lầm”, anh Thanh khẳng định.
Theo anh Thanh, một hình xăm tốt trước hết trông phải dễ nhìn dù gần hay xa, hài hoà cả về màu sắc, đường nét phải trau chuốt , tỉ mỉ. Ngoài ra, việc bảo quản sau xăm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hình xăm.
Tương tự, anh Nguyễn Vinh, chủ một cơ sở xăm mình trên đường Thái Thụy, Thái Bình tỏ ra khá ngạc nhiên bởi gần đây, quan niệm về hình xăm đã có chuyển mình theo hướng tích cực hơn so với vài năm về trước.
Bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian khi mới vào nghề, anh Vinh chia sẻ, những ngày đầu khi anh mới bước chân vào công việc này, sự kì thị của xã hội đối với hình xăm rất nặng nề. Người xăm mình bị soi mói và chịu nhiều sự phán xét từ mọi người. Sau 7 năm, mọi thứ đã thay đổi, giờ đây, xã hội có cái nhìn “thoáng” hơn về hình xăm. Chính vì lẽ đó mà các bạn trẻ tỏ ra thích thú khi sở hữu cho riêng mình một hình xăm mang ý nghĩa.
Tuy nhiên, chính vì “thoáng” trong suy nghĩ nên nhiều bạn trẻ không ngại yêu cầu anh Vinh thực hiện những hình xăm không phù hợp. Thông thường, với những khách hàng quá ít tuổi, anh Vinh thường đưa ra tư vấn giúp họ có thể lựa chọn hình xăm phù hợp với độ tuổi cũng như ý nghĩa muốn truyền đạt.
“Không có giới hạn nào với nghệ thuật, tôi sẽ tư vấn để họ hiểu nên làm như thế nào là đẹp nhưng nếu họ vẫn kiên quyết thì mình cũng nên theo ý của họ. Cơ thể là của họ vì vậy mọi quyết định đều xuất phát từ nhu cầu của khách hàng”, anh Vinh nói.
Khách tới cửa hàng xăm chủ yếu sẽ chọn hình xăm theo sở thích cá nhân, mỗi người sẽ yêu thích một phong cách khác nhau. Tuỳ thuộc vào sở thích của khách hàng, anh Vinh sẽ giúp khách kết nối vs artis (họa sĩ) theo phong cách đó. Đa phần, cửa hàng anh Vinh sẽ là hình thiết kế riêng theo nhu cầu của khách.
“Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về xăm mình càng lúc càng lớn, trào lưu này du nhập vào đời sống của giới trẻ hiện đại. Những năm trở lại đây, sự tham gia ngày càng nhiều của những khách hàng nhỏ tuổi khiến nghệ thuật xăm hình mang đến khởi sắc cho nghề xăm mình với nhiều mẫu mã, dáng hình khác nhau”, anh Vinh thông tin.
Theo tìm hiểu, hầu hết các cơ sở xăm mình đều có những quy tắc riêng để đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, làm mất đi tính Chân – Thiện – Mỹ trong cuộc sống.
Ghi nhận của PV, đối tượng tham gia xăm hình chủ yếu tập trung vào độ tuổi mới lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, vì vậy văn hóa xăm hình tạo ra nhiều tranh cãi trong suốt thời gian gần đây. Văn hóa xăm hình vì thế mà ảnh hướng ít nhiều đến lối sống, cách sống của người trẻ.
Quan niệm của nghệ sĩ với việc xăm mình
Cũng là bàn về vấn đề xăm mình, nhưng mỗi người sẽ có cách nhìn nhận và quan điểm khác nhau. Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng gây sốc với phát ngôn: “Gái đẹp xăm gì cũng đẹp, còn gái xấu xăm gì cũng xấu”.
Trong khi đó, Rapper Binz lại cho rằng: “Hình xăm như một cái áo để mình chọn. Nếu mình tự tin để mặc suốt đời hoặc mấy chục năm thì mình chọn nó”.
Chia sẻ trong gameshow “Cuộc hẹn cuối tuần” cùng với Rhymastic và Soobin Hoàng Sơn, Binz đã có những quan điểm thẳng thắn về chuyện xăm mình, Theo Binz, đặt hình xăm lên người ở chỗ ai cũng thấy được là dĩ nhiên mình gạch tên mình ra khỏi một số ngành nghề.
“Sau này nếu muốn quay lại công việc mình yêu thích nhưng hình xăm là thứ cản trở thì lúc đó có thể mình hối hận. Còn với những người biết rõ mình sẽ làm gì với cuộc đời của mình và quyết tâm làm điều đó, hình xăm sẽ không làm ảnh hưởng”, Binz nói.
Trong khi đó, tại chương trình "Có hẹn lúc 22 giờ" với chủ đề Đàn ông nghĩ sao khi người phụ nữ xăm hình nghệ thuật, cả 3 nhân vật khách mời là: đạo diễn Lê Hoàng, diễn viên Quang Tuấn và diễn viên Hứa Minh Đạt đều không ủng hộ chuyện phụ nữ xăm, dù là xăm nghệ thuật.
Khi nhận được câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về việc nếu gặp được một cô gái xăm thì cảm xúc như thế nào, diễn viên Quang Tuấn cho biết: “Tôi không quan trọng điều đó lắm nhưng cảm thấy dè dặt với những phụ nữ xăm”.
Thậm chí, đạo diễn Lê Hoàng còn khẳng định: “Gái đẹp xăm gì cũng đẹp, gái xấu xăm gì cũng xấu”, anh còn nói thêm: “Không biết mình nghĩ như vậy có ác không nhỉ”.
Phản biện lại ý kiến có phần phiến diện của đạo diễn Lê Hoàng, biên đạo múa Huỳnh Mến - người sở hữu 5 hình xăm trên người - nữ khách mời duy nhất trong chương trình lại cho rằng: “Với người xăm nghệ thuật, những hình ảnh sẽ đi cùng với họ từ thời tuổi trẻ đến già. Nhìn nó để luôn luôn ghi nhớ nội dung mà mình để lại”.
Huỳnh Mến không đồng ý với quan điểm gái xấu mà càng có hình xăm thì càng xấu hơn: “Đối với tôi, hình xăm thể hiện cá tính. Nếu người đó đủ tự tin về nội dung hình xăm của mình cộng hưởng thêm cá tính thì sẽ cuốn hút hơn, chứ không phải người ta xấu có hình xăm lại càng xấu hơn”, cô bày tỏ.
Trong thời đại ngày nay, việc xăm mình cũng trở nên khá phổ biến ở Showbiz. Ngoài Binz, MC Vân Hugo, ca sĩ Bảo Anh, Tuấn Anh... cũng sở hữu những hình xăm mang nhiều ý nghĩa.
Xăm mình: Tốt hay xấu?
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online về chuyện xăm mình của giới trẻ, TS. Mai Linh, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, việc giới trẻ xăm mình trong đời sống thường ngày đang nổi lên như một trào lưu.
Theo TS Mai Linh, việc xăm mình diễn ra khá phổ biến từ xưa đến nay ở cả Việt Nam và thế giới. Trong lịch sử, binh lính Việt Nam từng xăm chữ "sát thát" lên cánh tay để lấy tinh thần đánh đuổi giặc ngoại xâm, điều này chứng tỏ việc xăm mình có ý nghĩa và chiều dài lịch sử. Ngày nay, các bạn trẻ chọn cho mình một hình xăm khắc lên da với nhiều mục đích khác nhau. Kích thước, hình dáng, vị trí hình xăm rất đa dạng.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc xăm mình là không xấu vì con người vốn có quyền tự chủ đối với cơ thể của mình. Tuy nhiên, họ cần đảm bảo các nguyên tắc giá trị, chuẩn mực. Có một lý thuyết quan trọng trong xã hội học là vị thế, vai trò xã hội gắn liền với những giá trị chuẩn mực. Cá nhân nắm giữ vị thế nào thì thực hiện vai trò xã hội như vậy. Vai trò đó là một hành động xã hội và nó bị quy định bởi các thiết chế xã hội mà cá nhân đó là một phần trong các thiết chế.
Pháp luật không cấm chuyện xăm mình tuy nhiên mỗi cá nhân đều là một tế bào của gia đình, vì vậy muốn xăm mình cũng cần tôn trọng quy tắc chung của gia đình giống như việc giáo viên nên tôn trọng quy tắc của nhà trường. Như vậy, xăm mình không xấu nhưng cần đảm bảo an toàn về sức khoẻ và phù hợp với môi trường xã hội mà mình tham gia vào”, TS Mai Linh đưa ra quan niệm.