Trong tuần qua liên tiếp các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng vấn đề được đặt ra là hoạt động của Ban này sẽ được giám sát như thế nào? Theo ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, khi được trao quyền lực thì quyền lực đó cần được giám sát đến nơi đến chốn.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, cũng như sự “tiếp lửa” này ở địa phương thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Ông Nguyễn Túc: Trong thời gian qua, đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XII và những năm đầu của Đại hội XIII, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã được đẩy mạnh, mang lại những kết quả tích cực. Sở dĩ đạt được kết quả đó là do chủ trương đúng. Từ Đại hội VIII cho đến nay, Đại hội nào chúng ta cũng có chủ trương phòng, chống tham nhũng. Vừa qua chúng ta có rất nhiều biện pháp quyết liệt thể hiện quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đúng như tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm phải 20”.
Chính vì thế mà công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều này làm cho những người trước đây còn “ngại” tố cáo, “ngại” đấu tranh chống tham nhũng thì bây giờ đã tích cực vào cuộc. Sự tham gia của đội ngũ cán bộ, các tầng lớp nhân dân ngày càng đông đảo hơn, làm cho công tác phòng, chống tham nhũng tiến bộ hơn trước rất nhiều.
Tôi cho rằng, việc mở rộng như vậy sẽ nâng cao chất lượng của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghĩa là chúng ta không chỉ tập trung vào những vụ việc lớn, tham nhũng, tiêu cực lớn, mà ngay cả những vấn đề ở địa phương liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nói nôm na là “tham nhũng vặt” cũng cần được ngăn chặn và xử lý. Điều đó có nghĩa là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội chứ không chỉ tập trung vào các vụ án lớn mang tính trọng điểm. Tinh thần đó đã được các địa phương hưởng ứng rất mạnh mẽ. Đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo tôi đây là điều rất đáng mừng.
Thực ra trước đây chúng ta đã có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng. Lần này ta “tái thiết” lại và bổ sung thêm vấn đề phòng, chống tiêu cực. Với mô hình tổ chức lần này, theo ông làm sao để đạt được hiệu quả?
- Cái mới lần này chính là bổ sung thêm vấn đề phòng, chống tiêu cực. Tiêu cực chính là mở đầu của tham nhũng. Nếu như trước đây, thời kỳ Đại hội VI, xã hội xuất hiện các biểu hiện tiêu cực chủ yếu xuất hiện ở một số ngành thì sau đó bắt đầu lấn dần sang các lĩnh vực khác như “vết dầu loang”. Đại hội VI là thời kỳ đổi mới, đến Đại hội VII đã bắt đầu xuất hiện một số cán bộ thoái hóa biến chất. Đến Đại hội VIII nhận định có một bộ phận đảng viên có chức có quyền thoái hoá, biến chất, nên chúng ta có Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII là như thế. Đến Đại hội IX tiếp tục xác định một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất. Và từ Đại hội X cho đến nay vẫn tiếp tục chỉ ra được những cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Vì thế Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương nhận thấy không chỉ phòng, chống tham nhũng mà bổ sung thêm phòng, chống tiêu cực nên để tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và mới đây tại Hội nghị Trung ương 5 đã xác định cần có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên sau hội nghị, quán triệt tinh thần của Trung ương thì hiện, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do trực tiếp Bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương không chỉ huy động được bộ máy, cán bộ của địa phương mà có thể phát huy được vai trò của người dân địa phương vào công cuộc này. Ông nghĩ sao?
- Đúng vậy. Thời gian qua các vụ việc sai phạm được phát hiện đều là từ nhân dân mà ra. Sau đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Cả hệ thống chính trị vào cuộc thì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thắng lợi. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi có sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân thì nhất định sẽ đạt kết quả tốt hơn, sẽ ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực. Thời gian qua chúng ta đã xử lý rất nghiêm cán bộ sai phạm.
Ở địa phương thì Bí thư tỉnh ủy, thành ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua đã có những Bí thư tỉnh ủy “dính” sai phạm, phải xử lý kỷ luật. Vậy theo ông cần có sự giám sát đối với các Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thế nào?
- Tôi cho rằng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải là người mẫu mực. Nếu họ làm gương thì cán bộ và nhân dân trong tỉnh sẽ noi theo. Quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu, vì thế phải làm sao để chọn người đứng đầu trong sạch.
Điều đó đang đặt ra những vấn đề trong kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của các cơ quan trong việc giám sát thưa ông?
- Điều quan trọng đầu tiên, các Bí thư phải tự soi, tự sửa để mình là tấm gương sáng. Sau đó Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải “soi”, kiểm tra cán bộ đó thường xuyên. Vì Bí thư tỉnh ủy đều là Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt chúng ta cũng đã có Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Với bối cảnh hiện nay, Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương càng cần phải kiểm tra, chú ý giám sát đối với các Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Chưa kể sự giám sát giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Ở Trung ương mô hình thế nào thì cấp tỉnh cũng tương tự như vậy.
Ông có nghĩ rằng, chúng ta trao quyền rất lớn mà thiếu giám sát thì sẽ rất nguy hiểm?
- Trao quyền lực thì quyền lực đó cần được giám sát đến nơi đến chốn. Giám sát không chỉ có kiểm tra trong Đảng, mà cần sự giám sát của người dân. Cần quan tâm hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội; góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Nhất là Nghị quyết Đại hội XIII còn nhấn mạnh đến xây dựng cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trân trọng cảm ơn ông!