Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu, thợ đục trâu gỗ (Thường Tín, Hà Nội) làm không đủ hàng bán, mỗi ngày thu về cả triệu đồng.
Làm không đủ bán
Những ngày cuối năm, nhiều người làm nghề đục ở xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) đang gắng sức cho ra đời những chú trâu bằng gỗ được nhiều người chơi ưa chuộng.
Anh Tạ Văn Nhật trú tại Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: "Cách đây 3 tháng, khách hàng bắt đầu đặt sản phẩm trâu gỗ đông. Có người đến mua một con về chơi, nhưng cũng có thương lái đặt hàng cả trăm con. Đến thời điểm này, nhà tôi đã xuất ra thị trường hơn 500 con trâu gỗ cơ lớn, nhỏ".
Theo anh Tạ Văn Nhật, trâu gỗ làm đến đâu, khách mua hết đến đấy. Gần 20 năm trong nghề, anh sản xuất quanh năm chứ không theo mùa vụ, những tháng cuối năm thì tất bật hơn cả.
Trước thềm năm mới Tân Sửu, nên năm nay mặt hàng trâu gỗ nhà anh Tạ Văn Nhật đang hút khách. Giá trâu gỗ tại xưởng nhà anh giao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/con tùy kích cỡ trâu và chất liệu gỗ.
"Mỗi ngày, xưởng sản xuất nhà tôi cho ra thị trường khoảng 10 sản phẩm, đến bây giờ chỉ cố làm cho xong đơn đặt hàng trước Tết chứ không dám nhận thêm. Dự kiến đến 25 âm lịch tôi còn phải làm 200 sản phẩm nữa" - anh Tạ Văn Nhật tâm sự.
Tại xưởng đục nhà anh Phạm Văn Sâm ở Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội), tiếng đục chan chát vang cả góc xóm giữa buổi trưa. Anh cho biết: "Ăn cơm trưa xong hai vợ chồng tôi phải làm ngay mới kịp hàng để sáng mai giao 40 con. Khách đặt hàng để gửi đi TP HCM".
Theo anh Phạm Văn Sâm, bây giờ đã có máy móc hỗ trợ nhiều nhưng nhu cầu chơi của khách hàng cũng tăng nên vẫn phải tăng ca mới kịp. Trước đây phải đục tay hoàn toàn nhưng khoảng 5 năm trở lại đây có máy hỗ trợ, con người chỉ cần làm những công đoạn cuối cùng như: Đục lấy nét, đánh bóng rồi đem đi phun sơn.
Ngoài làm trâu gỗ, anh còn nhận làm các mặt hàng mỹ nghệ khác theo nhu cầu của khách hàng như: tượng phỗng, thần tài, tam đa.
"Làm nghề này, tối đến hai tay mỏi nhừ, việc tiếp xúc với bụi gỗ cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhiều đêm tôi cứ trằn trọc về ý tưởng sao cho độc và lạ" - anh Phạm Văn Sâm tâm sự.
Thu tiền triệu mỗi ngày
Là một trong số ít người tại Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) còm đục tay, anh Phạm Văn Ngọc đang vào giai đoạn tạo hình cho chú trâu làm bằng gỗ hương mà anh tâm đắc.
Anh Phạm Văn Ngọc chia sẻ: "Khách tìm đến cơ sở là những người kỹ tính. Khách đặt theo kích thước và phong thái con trâu, nên mỗi con tôi làm đều khác nhau".
Hơn 3 tháng qua, anh Phạm Văn Ngọc đã hoàn thiện 50 con trâu, con to nhất có chiều cao 60cm dài 1m, cũng có nhiều con nhỏ chỉ để vừa lòng bàn tay. Trừ chi phí nhân công và gỗ, anh thu về hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.
"Trâu chủ yếu được làm từ gỗ hương, cho mùi thơm, vân đẹp và khi đục gỗ rất chắc, thớ gỗ mịn nên những chi tiết nhỏ không bị vỡ. Tùy theo kiểu dáng của trâu, đứng hay nằm, nhiều họa tiết phụ giá sẽ khác nhau, năm nay con đắt nhất tôi làm là 5 triệu đồng, phải đục mất 4 hôm" - anh Phạm Văn Ngọc cho hay.
Tùy theo ý khách mà người thợ sẽ thổi hồn vào con trâu. Người thì thích con trâu dũng mãnh đang chiến đấu, nhưng có người thì lại thích dáng trâu đang nằm thảnh thơi, khi ấy người thợ phải hình dung được hình dáng con trâu để đục.
Những ngày ngày, xưởng nhà anh Phạm Văn Ngọc hoạt động không ngừng nghỉ, anh cùng 2 người thợ làm việc từ sáng đến khuya. Có những lần sản phẩm sau mấy ngày đục đẽo, chuẩn bị hoàn thiện thì chẳng may, gãy sừng, gãy tai, đành phải bỏ đi.
"Năm nay, thị hiếu khách hàng thường thích mẫu trâu cõng tiền vàng, trâu cõng chuột, trâu nằm trên tiền vàng, một số khách yêu cầu trâu phải to béo thể hiện sự sung túc… Tôi đều đáp ứng được" - anh Phạm Văn Ngọc cho hay.
Theo anh, thợ đục cần phải có tâm huyết, sức khỏe tốt và quan trọng nhất là khéo léo, chỉ cần run tay là vết đục chệch choạc rất khó sửa, thậm chí phải bỏ đi. Kết hợp với việc chọn gỗ, sao cho gỗ không bị sâu, vân đẹp và đặc lõi.
Khi đục, khâu gọt tỉa tạo phong thái phần khuôn mặt, hoa văn là quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ có tay nghề, khéo léo, tỉ mỉ và có sự sáng tạo mới đáp ứng được những khách hàng khó tính.