Các gia đình bây giờ bỏ nhau như cơm bữa. Trẻ con chỉ được sống cùng với một trong hai người. Bố bỏ đi thì sống với mẹ, mẹ bỏ đi thì sống với bố. Trẻ con đều ngoan ngoãn thiên thần cả mà bố với mẹ đã bỏ đi rồi có bao giờ quay về đâu. Trẻ con luôn luôn đúng.
Thằng con trai của Thìn học lớp 4 về nói với mẹ: Mẹ ơi con già nhất nhà mình. Thìn đang nấu cơm ậm ừ: Đúng rồi con già nhất nhà mình. Thằng bé khoái quá chạy đi chơi. Đến tối ngồi ăn cơm thằng bé lại bảo với bố: Bố ơi con già nhất nhà mình đấy. Ông bố đang đầy mồm cơm không quát được to: Bố láo nào. Rồi nuốt đến ục cho cục cơm trôi vào họng. Thằng con trai nói lại: Thật mà bố. Ông bố thấy sự hồn nhiên của thằng con mới thấy mình cáu thật vô lý. Ôn tồn hỏi con: Tại sao con lại bảo con già nhất nhà mình. Thật mà bố, hôm nay con học bài thơ thế này bố ạ: Trời sinh ra trước nhất. Chỉ toàn là trẻ con… Vậy thì con chẳng già nhất nhà ta là gì. Ông bố đần mặt ra nghĩ ngợi, còn Thìn phá lên cười rồi ôm con vào lòng: Đúng lắm, con nói đúng quá.
Thìn là cô giáo dạy tiểu học. Quả là nếu không có cậu con trai hiếu động, thông minh mà có lúc Thìn đã gọi là trợ giảng của mẹ thì những tình huống dạy học trên lớp Thìn không biết xử lý thế nào. Như hôm trước khi Thìn dạy cho học sinh bài Nàng tiên ốc (Nàng tiên ốc kể câu chuyện về một bà già nghèo chuyên mò cua bắt ốc, một hôm bà bắt được một con ốc lạ, thương tình không bán đem về bỏ trong chum, hóa ra đó là nàng tiên ốc, khi bà đi vắng nàng tiên ốc hóa thành người dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho bà già…). Sau khi kể câu chuyện bằng thơ cho cả lớp nghe Thìn mới đặt câu hỏi: Bà già nghèo bỏ ốc vào trong chum để làm gì? Một em học sinh đứng dậy trả lời: Em thưa cô bà già bỏ ốc vào trong chum nuôi cho béo rồi ăn thịt ạ. Cả lớp cười nghiêng ngả. Thìn cũng cười. Để cho cả lớp cười xong Thìn mới nói: Em trả lời đúng rồi, nhưng trong câu chuyện cổ tích cô vừa kể thì bà già bỏ ốc vào trong chum rồi con ốc hóa thành ai nhỉ? Con thưa cô nàng tiên ạ. Đúng rồi, cả lớp mình giỏi lắm.
Lớp học của Thìn hay được cấp trên dự giờ. Một lần có cấp trên to lắm của bộ về dự. Cấp trên to lắm muốn làm gương cho cô giáo về cách giảng dạy chủ động. Hôm ấy các em học bài “Sự tích cây vú sữa”. Cấp trên to lắm mới đặt câu hỏi: Khi mẹ đi mất rồi các con phải làm gì. Cả lớp đồng thanh trả lời: Chúng con ở với bố ạ (câu trả lời theo sách giáo khoa là các con phải ngoan ngoãn rồi mẹ sẽ quay về). Nghe học sinh trả lời xong cấp trên to lắm buồn rầu kết thúc tiết học. Sau đó họp các giáo viên rút kinh nghiệm. Cấp trên to lắm phê bình các giáo viên dạy dỗ các em học sinh không đến nơi đến chốn, không nắm chắc bài, trả lời lung tung.
Cả ban giám hiệu cũng bị phê bình. Cũng từ lần đó thì không có cấp trên nào về thăm trường của Thìn nữa. Nhưng từ trong thâm tâm mình Thìn biết học sinh của cô đã trả lời đúng câu hỏi. Các gia đình bây giờ bỏ nhau như cơm bữa. Trẻ con chỉ được sống cùng với một trong hai người. Bố bỏ đi thì sống với mẹ, mẹ bỏ đi thì sống với bố. Trẻ con đều ngoan ngoãn thiên thần cả mà bố với mẹ đã bỏ đi rồi có bao giờ quay về đâu. Trẻ con luôn luôn đúng.