Trẻ em vẫn bơ vơ trong môi trường mạng

Khanh Lê - Bảo Anh 29/06/2020 08:00

Hình thức xâm hại trên mạng chưa được biết đến một cách cặn kẽ, có muôn hình vạn trạng, tỷ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ.

Trẻ em cần được trang bị kiến thức sử dụng mạng Internet an toàn.

“Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em” là chủ đề được lựa chọn của Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020. Đây được xem là quyết tâm của các Bộ, ngành trong việc bảo vệ trẻ em trước thực trạng xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. Tuy nhiên để bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em ở lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi trước cạm bẫy môi trường mạng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Những “cái bẫy” chờ sẵn

Dù đã có nhiều chính sách được ban hành để bảo vệ trẻ em trước mối nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường mạng đơn cử như Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng tuy nhiên thực tế cho thấy trẻ em đang đứng trước nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường mạng.

Thống kê của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy, những cuộc gọi liên quan đến sử dụng Internet không an toàn tăng vọt. Cụ thể chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 125.314 cuộc gọi đến, đề nghị được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp, trong đó, nhiều trường hợp bị xâm hại khi làm quen trên môi trường mạng.

Chia sẻ về những mối nguy cơ khi trẻ em dùng mạng internet, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Tổng đài 111), Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Công Hiệu cho rằng, sự phát triển công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em được khám phá cũng như học tập tốt hơn tuy nhiên đây cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều “cạm bẫy”.

Điển hình như trường hợp bé gái B.T.N. (15 tuổi, tại tỉnh Hà Tĩnh) dù chỉ quen bạn qua mạng, nhưng cuối tháng 3/2020, cháu N. đã bắt xe khách vào gặp bạn tên Hùng tại Quảng Bình. Tại đây, bé đã bị Hùng và bạn của Hùng 3 lần thực hiện hành vi giao cấu. Lực lượng chức năng đã bắt giữ các đối tượng xấu ngay sau khi bị tố giác...

Cũng theo ông Hiệu tuy chưa có số liệu cụ thể về số trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng, nhưng từ các cuộc gọi đến cho thấy, nguyên nhân chính là nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Các em đã không được trang bị kỹ năng sống cũng như kiến thức về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng cũng chưa được đáp ứng đầy đủ.

Thực tế nếu như trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế như gia đình, họ hàng người thân cho đến nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên trên môi trường mạng, còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực; trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Nâng cao kiến thức cho trẻ em

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) cho rằng, nếu như trước đây, thường chỉ nói đến xâm hại trên đời thực, nhưng hiện nay, vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi hình thức xâm hại trên mạng chưa được biết đến một cách cặn kẽ, có muôn hình vạn trạng, tỷ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ.

Chính vì vậy việc kí kết phối hợp của 2 ngành chức năng là cần thiết góp phần phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, xử lý các hành vi xâm hại trẻ trên môi trường mạng. Các em sẽ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ, thông qua việc xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Dù vậy chúng ta không chỉ trông chờ vào giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi môi trường mạng đã thành cuộc sống, thực tế, không còn là thế giới ảo và tất cả mọi người đều cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách, lập pháp hay thiết chế có thể bảo vệ trẻ em an toàn hơn trên môi trường mạng. Nhưng quan trọng hơn, gia đình và nhà trường phải là người giáo dục cho các em nhận biết thế nào là sử dụng internet an toàn để từ đó không bị rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu” - bà Phương Linh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam) cũng cho rằng, trước nhiều hình thức xâm hại tình dục trẻ em trên mạng như gạ gẫm, tán tỉnh, lôi kéo trẻ em vào các quan hệ tình dục trực tiếp, yêu cầu trẻ phô bày các bộ phận trên cơ thể rồi phát livestream.... cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn hiểm họa này. Trong đó biện pháp quan trọng nhất đến từ chính trẻ em, các em cần được trang bị kiến thức về sử dụng internet an toàn.

Về phía nhà trường, bên cạnh việc phổ cập giáo dục tin học, cũng nên đưa nội dung sử dụng internet an toàn vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông. Bên cạnh đó nhà trường cần có những hình thức khác thông qua nhiều kênh khác nhau để học sinh có thể tìm hiểu thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em vẫn bơ vơ trong môi trường mạng