Gần đây, hiện tượng người lớn vì thù tức, giận dỗi nhau, thay vì tự dàn xếp, hay giải quyết theo pháp luật lại trút tất cả sự nóng giận, ghen tuông lên đầu con trẻ.
Ảnh minh họa.
Vào trưa ngày 15-12, làng quê xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đang yên ả bỗng dưng chấn động bởi tin chị Bùi Thị Ngọc (1984) sát hại con Nguyễn Thị Phùng Anh (6 tuổi), rồi tự sát. Bà Nguyễn Thị Biên (mẹ chồng của Ngọc) đã phát hiện và kịp thời cứu đứa bé 2 tháng tuổi bị chị Ngọc đè tay lên đã tím tái. Nguyên nhân được cho là do chị Ngọc lấy chồng xa (quê ở Sơn La), bị trầm cảm, chồng lại đi lao động ở Hàn Quốc...
Trước đó, ngày 19-11 tại ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Chị Đỗ Thị Ái Nguyên (SN 1985) cũng được cho là đã sát hại hai con là Nguyễn Hoàng Khang (9 tuổi), Nguyễn Thị Như Huyền (10 tuổi) rồi tự sát. Khám nghiệm tử thi cho thấy, các nạn nhân đều có một vết cắt sâu ở cổ. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, nhưng sau khi điều tra và thu giữ được lá thư tuyệt mệnh và nhiều tin nhắn chán nản, tuyệt vọng của chị Ái Nguyên nên đã ra quyết định đình chỉ điều tra.
Còn ở tỉnh Hà Tĩnh, ngày 5-11, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga (40 tuổi, trú xã Thạch Long, Thạch Hà, Hà Tĩnh) để làm rõ hành vi giết con gái mình (chưa đầy 3 tháng tuổi). Vụ việc xảy ra vào chiều ngày 2-11, bà Nga hô hoán con bị bắt cóc. Người dân đã chia nhau đi tìm và phát hiện thi thể bé Chi dưới giếng làng, cách nhà 150m. Tại cơ quan công an, bà Nga đã khai nhận do cuộc sống khó khăn, vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, bé lại bị bệnh nên trong lúc quẫn trí đã gây ra vụ việc đau lòng nói trên.
Điểm lại một vài vụ việc xảy ra trên địa bàn 3 miền Bắc, Trung, Nam kể trên, không khỏi thấy đau lòng. Vì sao những ông bố, những bà mẹ lại đang tâm sát hại chính những đứa con máu mủ mà mình đã bụng mang dạ chửa, nuôi nấng, ôm ấp, thương yêu. Có thể có người bản thân quẫn bách, nhưng sao lại kéo theo chính những đứa con thơ vô tội?
Phần lớn bi kịch diễn ra khi những bậc cha mẹ không làm chủ được tâm lý căng thẳng của mình. Họ không biết trút sự căm hờn, trầm cảm đó đi đâu, hay không có ai để chia sẻ. Họ cũng không tìm đến những chuyên gia tư vấn tâm lý để tìm lời khuyên.
Có câu: “Hổ dữ còn không ăn thịt con nữa là con người”. Làm sao để hạn chế những bi kịch đau lòng mà người thân sát hại con trẻ vô tội? Con người không nên đổ lỗi cho xã hội chung chung mà cần nhìn từ những gia đình. Đã đến lúc mà tính “Người” cần được giảng dạy lại cho chính con người từ tấm bé. Nếu như ai cũng trăn trở như nữ nhà văn Belarus - Svetlana Alexievich (giải Nobel văn học năm 2015) thì xã hội chắc cũng vơi đi phần nào bi kịch: “Tôi luôn muốn tìm hiểu có bao nhiêu chất người trong con người? Và làm thế nào để bảo vệ được chất người đó trong con người? Chúng ta có thể bảo vệ nó bằng cái gì?”.