Do tác động của dịch Covid-19 trên thế giới có 1,5 triệu trẻ em bị mồ côi. Tại Việt Nam có 2532 cháu bị mồ côi, trong đó 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm cho nhiều trẻ em tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở thành trẻ mồ côi. Nhiều trẻ em tập trung tại một nơi đã trở thành áp lực lớn cho hệ thống bảo trợ xã hội của các tỉnh, thành phố. Sắp tới Bộ trưởng có giải pháp gì để công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ mồ côi được đảm bảo tốt?.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, do tác động của dịch Covid-19, trên thế giới có 1,5 triệu trẻ em bị mồ côi. Tại Việt Nam có 2.532 cháu bị mồ côi, trong đó 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua Bộ đã ban hành các chính sách liên quan đến trẻ em nói chung và các đối tượng bảo trợ nói riêng.Trong đó thay thế Nghị định 136 bằng Nghị định 20 có hiệu lực từ 1/7/2021. Qua đó quy định đối tượng bảo trợ trẻ em, và các cháu mồ côi được hưởng chính sách.
Theo ông Dung, tham khảo mức chung hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thấy hiện nay chính sách chung chăm sóc trẻ em của ta tương đối đồng bộ và mức thông thường của thế giới từ 1,1-1,8 triệu đồng. Hiện trẻ em dưới 4 tuổi có người chăm sóc đỡ đầu thì ở mức 1,8 triệu đồng. Vừa qua có hơn 2 ngàn cháu bị mồ côi thì ngoài chính sách đã có còn có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể vận động hỗ trợ các cháu tương đối tốt. Riêng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam quyết định tất cả các cháu được hỗ trợ 5 triệu đồng, còn các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp sổ tiết kiệm 20 triệu đồng. “Hiện các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ đều đang sống với người thân. Trường hợp không có người thân sẽ có người đỡ đầu, trường hợp xấu nhất mới đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội”-ông Dung cho hay.
Hỗ trợ nhầm cho 22.000 người?
Nói về một tỉnh phát nhầm tiền hỗ trợ cho 22.000 người mà báo chí thông tin trong thời gian qua được các ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị điều chỉnh nội dung này vì không phải là phát nhầm và nhận nhầm với con số lớn như vậy. Ông Dung cho biết, ông đã trực tiếp trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và xã hội báo cáo bằng văn bản, đồng thời cử một Thứ trưởng cùng các đơn vị vào kiểm tra thực tế, gặp người phát, người nhận nhầm. Kết quả chỉ có 1.490 trường hợp nhận nhầm.
"Còn về con số 22.000 là chính sách riêng của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800.000 đồng/người. Khi đến trực tiếp địa bàn kê khai, nhiều người cùng khai hộ dẫn tới trùng nhau về tên, tuổi nên con số vọt lên quá lớn. Các cơ quan cũng đã rà soát lại. Về số người nhận nhầm hỗ trợ, phần đông người nhận nhầm đã tự hoàn trả lại số tiền, đến nay công việc đã được giải quyết và đã thu hồi được 1,6 tỷ đồng", ông Dung phân trần.