Với việc chủ động, tích cực trong thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn, điều tra, khảo sát cung – cầu lao động, giải quyết việc làm sau đào tạo, thời gian qua quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã tạo nên bước đột phá trong quá trình triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đông đảo lao động nông thôn tham gia lớp nghề đan nhựa tại quận Ô Môn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã mở được 11/11 lớp, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.
Trong đó, có 9 lớp nghề phi nông nghiệp như: may gia dụng, may công nghiệp, cắt uốn tóc, đan dây nhựa, nấu ăn,... và 2 lớp nghề nông nghiệp gồm: trồng và chăm sóc cây ăn trái, trồng cây có múi.
Qua đó, giải quyết đào tạo nghề cho 374 lao động (39 đối tượng hộ nghèo, 2 người dân tộc và 333 đối tượng khác). Đặc biệt, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm chiếm đến 85%.
Để đạt được kết quả trên, Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn đã thực đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, điều tra cung cầu lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, đáp ứng cung cầu của thị trường lao động.
Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề luôn được Trung tâm quan tâm thực hiện đều tại 7 phường trên địa bàn quận.
Ông Phạm Thành Thông - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận Ô Môn cho biết: Việc điều tra nhu cầu học nghề được Trung tâm triển khai rất sát, bằng cách phối hợp với UBND, hội, đoàn thể lấy phiếu khảo sát trên địa bàn các phường. Từ đó, làm căn cứ để đưa ra kế hoạch dạy nghề phù hợp, kịp thời, đảm đúng đối tượng có nhu cầu học nghề.
Bà Nguyễn Thị Tám, ngụ khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn cho biết: Trước đây ai thuê, mướn gì thì tui làm đó, nhưng người thuê cũng không còn nhiều nữa. Thấy địa phương mở lớp học nghề đan nhựa, tui đã quyết định theo học. Nhờ vậy, tranh thủ lúc rảnh rỗi tui cũng kiếm được từ 30.000 – 50.000 đồng mỗi ngày để phụ thêm vào chi tiêu gia đình.
Anh Võ Minh Khoa, ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn cho biết: Trước đây, tôi làm nghề lái đò cho khách du lịch, nhưng thu nhập bấp bênh nên tôi và vợ đều chuyển qua học nghề đan dây nhựa. Sau khi hoàn thành khóa học, gia đình tôi nhận gia công sản phẩm (bàn, ghế nhựa) tại nhà cho các công ty. Trung bình, mỗi người cũng kiếm được từ 50.000 – 80.000 đồng/ngày.
Ông Phạm Thành Thông cho biết thêm: Để đảm bảo tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm, Trung tâm đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc tại chỗ.
Cụ thể, mô hình tại cơ sở may Diễm Hà, phường Châu Văn Liêm, sau khi chị em học xong lớp nghề sẽ được cơ sở giao đồ để gia công tại nhà, cho thu nhập bình quân từ 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng.
Hay như mô hình tại Công ty TNHH may Ngọc Thơ, Công ty may Phước Thới hiện đang có 50 lao động sau học nghề đang làm việc với mức thu nhập trung bình từ 3,2 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Trung tâm còn chủ động liên hệ, tạo mối quan hệ chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp ngoài địa bàn để ký biên bản ghi nhớ tuyển dụng các học viên.
Qua đó, giúp cho học viên yên tâm, kiên trì theo học, hướng đến có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Chị Trương Thị Bé Bảy, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn trước đây là một lao động nhàn rỗi tại địa phương, chủ yếu chỉ làm việc nhà hoặc đi làm thuê.
Từ cuối tháng 9/2017, sau khi hoàn thành lớp nghề may gia dụng chị Bảy đã có được một công việc ổn định.
Chị Trương Thị Bé Bảy phấn khởi cho biết: Sau khi học xong nghề, tôi đã nhận hàng từ công ty để gia công tại nhà, mỗi ngày cũng kiếm được 50.000 – 60.000 đồng. Bên cạnh đó, có được nghề may trong tay, tôi tiến hành nhận thêm quần áo để sửa, nên cũng có thêm một khoảng thu kha khá, ổn định cuộc sống.
Đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị khang trang, đáp ứng tốt điều kiện đào tạo nghề.
Hiện Trung tâm có 17 phòng học lí thuyết, 6 nhà xưởng, 2 phòng tin học, 1 phòng thí nghiệm, 1 thư viện,...
Qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, các học viên sau đào tao luôn đạt kết quả loại khá, giỏi trên 90%.
Về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Phạm Thành Thông cho biết: Trung tâm hướng đến xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của quận, từng bước thực hiện đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn với nâng cao tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo.
“Trung tâm cũng chú trọng đào tạo nghề cho lao động thuộc các vùng bị thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, người dân tộc có nhu cầu học nghề…”, ông Thông nhấn mạnh.