Về xã Nam Dong (huyện Cư Jút, Đắk Nông) nhìn những ngọn núi đá được người dân xếp cao chót vót giữa rẫy cà phê, hồ tiêu xanh mướt xen đó là những căn nhà xây kiên cố, cùng nhiều con đường được nhựa hóa, bê tông mới cảm nhận hết được nghị lực, sự kiên trì bám trụ và quyết tâm vươn lên của người dân trên cánh đồng đá nơi đây.
Những khối đá vừa được gia đình ông Đức đào lên để lấy đất canh tác.
Canh tác trên đá
Vào lập nghiệp tại thôn 13, xã Nam Dong hơn 27 năm nay, ông Châu Văn Đức quê ở Quảng Nam vẫn còn nhớ như in những ngày đi kinh tế mới ở vùng đất này.
Ông Đức kể, lúc đầu mới vào nhìn đất đai chỗ nào cũng đá, hòn to hòn nhỏ nối tiếp nhau mà ai cũng nản. Chỉ cần bổ nhát quốc xuống là y như rằng quốc mẻ, tay sưng. Khi đó chúng tôi chỉ muốn trở về quê chứ nhìn đất đai toàn đá cuội thế này thì làm sao mà canh tác, sản xuất. Nhưng sau nhiều công sức đất không phụ lòng người.
Tuy nhiều đá nhưng chất đất ở đây lại phù hợp rất nhiều loại cây. Đặc biết là cà phê và hồ tiêu, bên cạnh nhưng cây dài ngày, người dân trồng các loại cây lương thực ngắn ngày cũng cho năng suất cao, được mùa.
Ông Đức chia sẻ để cải tạo hơn 1 hécta đất vừa mua ông đã thuê máy múc đào đá hết cả gần 100 triệu, khoan giếng gần 70 triệu đồng. Hiện 1,3 héc ta của ông đã xuống giống được 1.300 trụ tiêu trong đó có hơn 600 trụ năm trước cho thu bói được hơn 250 triệu đồng. Ông Đức bảo nếu trời mưa thuận gió hòa thì chẳng mấy chốc mà trả hết nợ cũng như vươn lên làm giàu trên mảnh đất đá này.
Không chỉ có hộ ông Đức thoát nghèo trên quê hương mới mà hàng ngàn hộ dân ở đây, trước khi vào định cư cuộc sống hết sức khó khăn, cái ăn phải chạy vạy từng ngày vì đá cuội còn nhiều hơn cả đất trống, thế nhưng nhờ chăm chỉ đào đá lấy đất mà giờ đã xây dựng được cơ ngơi khang trang và hàng năm cho thu nhập cả tỷ đồng từ cây tiêu, cà phê.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đàm Vịnh ở thôn 5, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, làm không đủ ăn vì đất đai toàn đá, thế mà nhờ chịu thương chịu khó, dọn đá lấy đất, đến nay ông đã đầu tư gần 3 ha tiêu hàng năm cho thu hoạch ổn định trên 20 tấn tiêu, sau khi trừ chi phí thu lợi hàng tỷ đồng. Hiện ông Vịnh không chỉ xây dựng được nhà cửa khang trang tiền tỷ mà còn mua sắm được xe hơi cùng nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho cuộc sống và được xếp vào hàng “đại gia” trong xã.
Từ hộ nghèo đến thu nhập hàng tỷ đồng
Theo nhiều người dân, trước đây mối héc ta người ta chỉ bán 50 đến 70 triệu vậy mà sau khi thuê máy múc đào xới gom đá lại, mỗi héc ta giờ người ta bán cả 700 đến 800 triệu đồng. Với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, bà con đã mở mang, cải tạo nhiều vùng đất sỏi đá cằn cỗi, biến những nơi hoang vu thành những ruộng đậu, đỗ, bông vải, mía xanh tốt giúp cho Nam Dong đã trở thành địa phương đi đầu về xuất khẩu những mặt hàng nông sản. Cùng với đó, người dân còn tiến hành trồng các loại cây công nghiệp và ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cao su, tiêu, nhãn để nâng cao mức thu nhập.
Ông Phan Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho biết, xã Nam Dong được thành lập năm 1989, là một trong những xã thành lập đầu tiên của huyện Cư Jút. Toàn xã có 4.065 hộ với 16.676 nhân khẩu, gồm 14 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống trên địa bàn 19 thôn. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32%, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp, trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng của địa phương thời kỳ đầu cũng rất thiếu thốn.
Vì vậy, để giúp cho bà con an cư, lạc nghiệp phát triển kinh tế, địa phương đã đề ra nghị quyết ưu tiên phát triển nông nghiệp. Nếu như năm 2010 toàn xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 10% thì đến cuối năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 5,02%; thu nhập bình quân người dân đạt 28 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, toàn xã có 3.991/4.080 hộ gia đình (97,8%) đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 16/19 thôn đạt chuẩn văn hóa. Đối với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tính đến năm 2016 xã đạt 12/19 tiêu chí. Cũng theo ông Công, toàn xã trước đây có rất nhiều hộ nghèo, phải chạy ăn hàng ngày, nhưng nhờ chăm chỉ, cần cù mà giờ đây sau mỗi vụ thu hoạch nông sản người dân không chỉ đủ ăn mà hàng năm cho thu nhập cả trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng từ những vườn hồ tiêu, cà phê, cao su…
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Dong đang quyết tâm xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.