Nằm trong vùng núi sâu, cách trung tâm xã hơn 20 km, thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) được nhiều người đặt cho cái tên “cổng trời” bởi để đến được nơi đây mọi người phải vượt qua con dốc nằm trên dãy núi Ea Lang-con dốc vừa cao, vừa gấp khúc, ngoằn ngoèo và là tuyến đường duy nhất nối thôn Ea Rớt với bên ngoài.
Một góc “Cổng trời” Ea Rớt.
Thôn Ea Rớt có hơn 200 hộ, gần 1.300 khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Mông, Mường, Dao di cư từ các tỉnh phía Bắc vào định cư từ năm 1996. Hiện cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề vì chưa có sổ hộ khẩu, chưa có giấy chứng minh nhân dân; cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng chưa được đầu tư xây dựng.
Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt chia sẻ, người dân ở đây 100% là đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đường sá đi lại khó khăn nên nông sản bà con làm ra thường xuyên bị thương lái ép giá.
Mùa khô đường vào thôn còn đỡ, chứ mùa mưa người dân phải gắn xích ở bánh xe máy mới leo dốc được. Do các hộ dân trong thôn chưa có hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân nên việc quản lý trật tự an toàn xã hội cũng có nhiều phức tạp. Chúng tôi, mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư giúp người dân trong thôn ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất.
Tuy cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng công tác “trồng người” trên “cổng trời” luôn được ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk quan tâm.
Thầy giáo Vũ Đình Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chư Pui 2 cho biết, điểm trường Ea Rớt là điểm xa nhất trong 7 điểm trường trên toàn xã.
Cô giáo Bùi Tố Oanh gieo chữ nơi“cổng trời”.
Do ở cách xa trung tâm xã, đường giao thông đi lại vất vả, bà con điều kiện kinh tế khó khăn nên trước đây tỉ lệ học sinh mù chữ chiếm trên 80%, nhưng từ những nỗ lực của thầy cô, địa phương và người dân đến nay tỉ lệ học sinh đến trường gần 100%.
Năm học này, điểm trường Ea Rớt có 8 lớp tiểu học với gần 200 học sinh đến lớp. Một niềm vui không nhỏ đến với thầy cô giáo và học sinh nghèo nơi đây là năm học này, các em đã học sinh nơi đây đã được học trong 4 phòng học mới thay thế cho những phòng học tạm năm xưa. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui chia sẻ, do điểm trường cũ nằm trong vùng ngập nước của hồ Krông Pắk Thượng nên xã đã quy hoạch địa điểm mới, thuận lợi hơn để các em tiếp tục học tập.
Không chỉ xin vố đầu tư phòng học, từ sự vận động của chính quyền xã còn vận động người dân hiến đất và những doanh nghiệp trên địa bàn dùng máy san ủi hạ thấp độ cao của con dốc “cổng trời” giúp bà con thôn Ea Rớt đi lại được thuận tiện hơn.
Chia sẻ khó khăn với bà con nghèo nơi đây, nhiều tổ chức từ thiện đã tới thăm khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ kinh phí đào giếng, kéo điện giúp người dân “cổng trời” dần ổn định cuộc sống.
Hòa chung niềm vui của con trẻ khi có phòng học mới khang trang chăm chỉ tìm con chữ trên từng trang sách, bà con thôn Ea Rớt cũng vui mừng khi cấp trên đã đồng ý, cho chủ trương đưa thôn Ea Rớt vào vùng quy hoạch. Hiện xã Cư Pui đang nỗ lực rà soát, thống kê, tổng hợp các số liệu và hoàn thiện thủ tục trình lên chờ phê duyệt.
Hy vọng từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, một thời gian không xã nữa giấc mơ về điện, đường, trường, nước sinh hoạt sẽ được đầu tư xây dựng, mở ra một trang mới cho người dân nơi “cổng trời” Ea Rớt.