Đại Đoàn Kết xin giới thiệu tới độc giả 4 cuốn sách mới được xuất bản đang được nhiều người đón đọc.
Bìa cuốn "La Sơn phu tử".
La Sơn phu tử
La Sơn phu tử, tức vị phu tử đất La Sơn, là nhà Nho nổi tiếng của Đại Việt thế kỷ XVIII-XIX. Chuyên khảo “La Sơn phu tử” được GS Hoàng Xuân Hãn triển khai từ những năm 1939, đã trích đăng trên báo Thanh Nghị từ năm 1944-1945. Đến năm 1952, sau khi gia đình ông sang Pháp định cư, “La Sơn phu tử” mới ra mắt bạn đọc.
Tuần qua, “La Sơn phu tử” dày gần 400 trang, đã chính thức xuất bản ở Việt Nam, do Công ty sách Dân Trí (DT Books) & NXB Khoa học xã hội ấn hành.
Cuộc đời La Sơn phu tử trong cuốn sách này được phục dựng rất chi tiết, qua những khảo cứu tư liệu công phu, bạn đọc sẽ nhìn thấy rất rõ hành trạng của nhân vật lịch sử sống cách chúng ta hơn 200 năm.
Tầm vóc và nhân cách của vị phu tử đất La Sơn, thái độ của người trí thức trước thời cuộc thông qua lẽ xuất xử được tác giả mô tả rất rõ thông qua mối quan hệ của cụ với vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ…
Bìa cuốn "Truyện trẻ con".
Truyện trẻ con
Tập truyện “Les Contes de ma mère l’Oye” của Charles Perrault (Pháp) xuất bản từ thế kỉ XVII, giờ vẫn được kể, được in. Tại Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch 8 trong 11 truyện của tập sách này và đặt tên là “Truyện trẻ con”, xuất bản lần đầu năm 1916, rồi được Thư xã Đắc Lộ (Édition Alexandre de Rhodes) tái bản có chỉnh sửa năm 1943.
Từ đó đến nay tròn 1 thế kỷ, lần in đầu tiên, Đông A và NXB Văn học tái bản bản dịch này. “Truyện trẻ con” ra mắt lần này được in 4 màu, với những bức tranh do Élodie Nounen minh họa. Sách gồm 8 truyện: Hằng Nga ngủ trong rừng, Con yêu Râu Xanh, Con mèo thầy thợ, Hoàng tử có bờm, Thằng nhỏ Tí Hon…
Bia cuốn "Cổ tích Việt Nam bằng thơ".
Cổ tích Việt Nam bằng thơ
Lâu nay, những câu truyện cổ tích kinh điển của Việt Nam đã được nhiều thế hệ biết đến. Mới đây 8 câu chuyện: Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau, Thánh Gióng, Thạch Sanh… đã được nhà giáo - nhà thơ Thái Bá Tân kể lại bằng thơ 5 chữ, nhằm giúp cho bạn đọc nhỏ tuổi thêm một “kênh” tiếp cận với kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Ví như, truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” được Thái Bá Tân mở đầu: “Vua Hùng thứ mười tám/ Có con là Mỵ Nương/ Một công chúa xinh đẹp/ Thông minh và dễ thương”…
Với lời thơ ngắn gọn, cô đọng cùng minh họa kỳ công và thuần Việt của họa sĩ trẻ Chu Linh Hoàng, “Cổ tích Việt Nam bằng thơ” (NXB Kim Đồng) cho thấy một cách làm sáng tạo. Trước đó, tác giả Thái Bá Tân cũng đã ra mắt “Cổ tích thế giới bằng thơ” được độc giả đón nhận.
Bìa cuốn "Biệt cánh chim trời".
Biệt cánh chim trời
Cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Cao Duy Sơn, dẫn người đọc dõi theo câu chuyện về vùng đất Cô Sầu (Trùng Khánh - Cao Bằng)- nơi tác giả có nhiều năm tháng gắn bó và có nhiều trang viết ám ảnh. Ở đó, có số phận về người con gái đẹp của rừng, của những phận người phiêu dạt trong ám ảnh dục vọng và lẫm lỗi.
Điểm sáng của “Biệt cánh chim trời” (NXB Trẻ) chính là lòng vị tha và những tia hi vọng luôn được đan xen trong suốt mạch truyện, khiến ta tin rằng, những cánh chim kia rồi cũng tìm được về nơi trú ngụ. Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, ở cuốn sách này, “văn Cao Duy Sơn giàu hình ảnh, giàu chất say của người say thiên nhiên”.