Trên kệ sách tuần này (14/5)

Thư Thư 14/05/2017 08:00

Đại Đoàn Kết Online trân trọng giới thiệu tới độc giả một vài cuốn sách đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Bìa cuốn "Thực khách hay thực đơn".

Thực khách hay thực đơn

S. Jayakumar có thể là một cái tên xa lạ với hầu hết bạn đọc Việt Nam, nhưng ông thực sự là một nhân vật nổi bật trên trường quốc tế, là người góp phần quan trọng vào “câu chuyện thành công” của Singapore ngày nay, từng giữ các cương vị Bộ trưởng Cao cấp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng của nhiều bộ khác nhau (Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Lao động).

Cuốn sách không chỉ là câu chuyện cảm động về một gia đình nghèo và đông con thuộc sắc dân thiểu số, vươn lên thành những chủ nhân của Singapore hiện đại. Nó trước hết là câu chuyện trị quốc ở một đất nước bần cùng sau chiến tranh, kích thước nhỏ bé, không có tài nguyên, mà lúc nào cũng bị lăm le, lấn át bởi người láng giềng lớn hơn. Trong phần cuối cuốn sách, S Jayakumar đã nêu những yếu tố then chốt giúp Singapore được như ngày hôm nay.

Đó là một chế độ trọng dụng nhân tài. Đó là một xã hội mà tính chính trực và sự liêm khiết được đề cao tối đa. Đó là một xã hội mở đối với mọi thứ tiến bộ và tốt đẹp, nhưng đồng thời lại đóng đối với mọi thứ xấu xa, tác hại. Sách do dịch giả Nguyễn Tuấn Việt chuyển ngữ, NXB Trẻ ấn hành.

Bìa cuốn "Khu tập thể có giàn hoa tím".

Khu tập thể có giàn hoa tím

Cuốn sách của Đức Phạm, một tác giả thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Không gian tuổi thơ của nhân vật chính trong cuốn sách - cậu bé Kem- là một khu tập thể trong bối cảnh Hà Nội đầu những năm 80 của thế kỉ 20, những năm kinh tế xã hội bao cấp với muôn vàn câu chuyện đáng nhớ.

Ở “Khu tập thể có giàn hoa tím” (NXB Kim Đồng), trẻ con lê la rủ nhau bắt ve, bắt châu chấu, tập bơi với chiếc can nhựa, chơi cờ quân sự, chơi chọi kiến, chơi đồ hàng, chơi chuyền… với những niềm vui mà hẳn những bạn nhỏ bây giờ không tưởng tượng được.

Những mẩu truyện nhỏ xinh của Đức Phạm đều là những câu chuyện có thật, chưng cất từ những kỉ niệm tuổi thơ vẫn vẹn nguyên trong kí ức của tác giả. Với lối kể chuyện hài hước, có duyên, Đức Phạm dẫn dắt độc giả trở lại miền ấu thơ của anh, hòa trong bầu không khí rộn ràng, tươi vui của lũ trẻ phố tinh nghịch, hồn nhiên. Và nhiều người đọc bỗng cảm thấy một trời tuổi thơ của mình bỗng náo nức ùa về.

Bìa cuốn "Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp".

Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp

Cuốn sách vừa được NXB Trẻ ấn hành, gồm hơn 70 bài viết của nhiều tác giả. Trong đó, có người là bạn văn, bạn thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình, nhà giáo dục, nhạc sĩ, đạo diễn, một số nhà báo, dịch giả nước ngoài: Phong Lê, Trần Đăng Khoa, Lê Minh Quốc, Lê Minh Khuê, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Trương Quý, Ý Nhi, Kato Sakae (Nhật Bản)…

Một hợp tuyển đa sắc màu, lắm giọng điệu, nhưng chung một nhân vật, đó là viết về Nguyễn Nhật Ánh và những tác phẩm của ông. Bài viết xa nhất vào đầu năm 1990 và gần đây nhất là vào tháng 3/2017. Qua gần 400 trang, cuốn sách gửi đến bạn đọc một hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua nhận xét của bạn bè, bạn đọc, đồng nghiệp… tạo nên hình ảnh đa chiều về nhà văn đặc biệt này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên kệ sách tuần này (14/5)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO