Đại Đoàn Kết online trân trọng giới thiệu tới độc giả 3 cuốn sách mới xuất bản và đang gây nhiều chú ý trong thời gian qua.
Bìa cuốn "Làm chủ cuộc đời".
Làm chủ cuộc đời
Cuốn sách do First News - Trí Việt ấn hành, tập hợp những bài giảng của TS Phật học Khangser Rinpoche.
“Làm chủ cuộc đời” mở đầu với những tiền đề căn bản, khẳng định đạo Phật là một môn khoa học về bản tâm con người, chứ không đơn thuần là một tôn giáo.
Phần thứ hai trình bày 4 sự thật cao quý, là thành quả từ công trình chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh của đức Phật trong suốt 6 năm ròng tu khổ hạnh và là nền tảng của toàn bộ lời Phật dạy, và kế tiếp là những chủ đề về thông điệp sống hạnh phúc, lòng từ bi và trí tuệ trong mỗi người.
Bằng cách diễn giải chân tình, tác giả đã giúp người đọc khái quát những lời dạy của Đức Phật, qua đó có thể tìm được sự bình yên, tĩnh tại trong cuộc sống.
Đó là con đường đưa con người thoát khỏi bể khổ, gây dựng hạnh phúc bền lâu. Tôn chỉ sống của ông là: “Sống mạnh mẽ và hạnh phúc”.
Hiện tại, Khangser Rinpoche là giảng sư giảng dạy triết lý Phật học ở Viện Phật học Tây Tạng Sera Jey, Ấn Độ. Ngoài ra, ông còn giảng dạy cho đại chúng thuộc nhiều tầng lớp ở các trường đại học, các trung tâm Phật giáo và các cơ sở công cộng ở Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ…
Bìa cuốn "Chuyện xưa xứ Quảng".
Chuyện xưa xứ Quảng
Cuốn sách của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Hữu Đăng Đạt vừa được NXB Kim Đồng ra mắt. Sách gồm 58 bài viết, sắp xếp theo 4 đề mục chính: Ẩm thực - Địa danh, Nhân vật - Thú chơi, Phong tục - Làng nghề xứ Quảng.
Qua 240 trang sách, “Chuyện xưa xứ Quảng” đề cập cả một vùng văn hóa với những địa danh, những con người, những sinh hoạt văn hóa đặc trưng, giàu truyền thống.
Đó là những trầm tích văn hóa được vun đắp tự bao đời. Một phần lớn trong cuốn sách là câu chuyện về những làng nghề truyền thống của xứ Quảng với những huyền tích gắn với sự ra đời, những thăng trầm, thậm chí cả những bí kíp rất riêng khiến làng nghề trở nên độc đáo và nổi tiếng…
Đọc cuốn sách, có thể hình dung những tháng ngày điền dã gắn bó với từng vùng đất xứ Quảng của tác giả, thấy công sức sưu tầm, khảo cứu công phu của tác giả với ngồn ngộn tư liệu, hình ảnh quý.
Bìa cuốn "Trong căn phòng một người bại liệt".
Trong căn phòng một người bại liệt
Cuốn sách dày 216 trang của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, mang đến cho bạn đọc 28 bài viết về 28 người đã khuất. Họ, có thể là những nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng, được nhiều người biết, như nhà thơ Tố Hữu, nhà viết kịch Tào Mạt hay thi sĩ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Nhưng họ, cũng có thể là những người thân của tác giả, những người mà tất cả chúng ta chưa một lần gặp gỡ…
Lý giải vì sao lại ra cuốn sách để hồi tưởng về những người đã khuất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Mỗi ghi chép của tôi đối với cuộc đời họ cũng chỉ như một chiếc lá của một mùa cây bất tận trên thế gian này.
Chiếc lá mỏng manh, mơ hồ và lướt qua khẽ khàng có thể cho ta thấy cả mùa cây và có thể chẳng cho ta thấy được một chút gì. Những ghi chép của tôi về họ chỉ là sự lưu giữ một tiếng động nhỏ khi họ đi qua căn phòng của tôi. Tôi luôn mang cảm giác là họ đã cúi xuống nhìn những dòng tôi viết về họ và...
Có người mỉm cười, có người đăm chiêu, có người xoa xoa cằm, có người gật gù, có người nhíu mày, có người thờ ơ, có người búng búng vào trang viết của tôi, có người khẽ thở dài...”. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.