Truyện Kiều - ấn bản đặc biệt/ Hà Nội thanh lịch/ Người Sài Gòn bất đắc dĩ
Truyện Kiều - ấn bản đặc biệt
Cuốn “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du vừa được Đông A Books ra mắt ấn bản đặc biệt, toàn bộ cuốn sách in 4 màu, với sự tham gia của 15 họa sĩ được xem là tiêu biểu của nền mỹ thuật VN đương đại như: Thành Cương, Đặng Tiến, Đỗ Hoàng Tường, Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu… Cùng với việc làm mới minh họa, nội dung ấn phẩm cũng rất đáng được chú ý bởi đây là bản khảo đính và chú giải của PGS Nguyễn Thạch Giang- nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn chương Hán-Nôm cổ nói chung và “Truyện Kiều” nói riêng. Ấn bản “Truyện Kiều” này là công trình khảo đính và chú giải của ông, một công trình được xem là mang tính khuôn mẫu cho việc xử lý các văn bản Hán-Nôm sau này do PGS Nguyễn Thạch Giang đảm nhiệm. Từ năm 1972 đến nay, bản Kiều này đã được tái bản 33 lần với số lượng hơn 200.000 bản, trở thành một trong các bản Kiều được tái bản nhiều nhất trong hơn bốn thập kỷ qua.
Hà Nội thanh lịch
Ra đời năm 1991, “Hà Nội thanh lịch” của học giả Hoàng Đạo Thúy không chỉ tái hiện lại hình ảnh vùng đất kinh kỳ của một thời mà dường như còn là nơi gửi gắm giấc mơ và niềm tiếc nuối sâu kín của ông về những điều tốt đẹp đã không còn nữa. Cuốn sách vừa được ra mắt ấn bản mới, giúp độc giả thời nay có thể tìm thấy nhiều cái hay của một Hà Nội đã qua, song đồng thời thấy tiếc khi cái nho nhã, hào hoa của người Hà Nội xưa giờ đã ít nhiều phôi pha. 280 trang sách chứa đựng nhiều câu chuyện về cách ăn, cách mặc, lối sống, cách dạy con, cách ứng xử với người hàng phố, cách tiếp khách… Tất cả đều được nhìn qua con mắt một người tinh tế, uyên bác và rất yêu Hà Nội: Hoàng Đạo Thúy.
Người Sài Gòn bất đắc dĩ
Tự nhận mình là “người Sài Gòn bất đắc dĩ”, và sau một thời gian dừng viết lui về Cà Mau “làm vườn, buôi yến” vì tự thấy viết không còn hay, nhà văn - nhà báo Võ Đắc Danh vừa ra mắt cuốn sách mới, tập hợp 47 truyện ngắn và ký viết về miền đất Nam Bộ, vùng ruộng đồng sông nước được ông viết trong nhiều năm qua. Cuốn sách có tựa đề “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” do NXB Trẻ ấn hành. Bàng bạc trong các truyện là nỗi niềm của những người nông dân đã một đời thân cò lặn lội, oằn vai dưới gánh nặng đau khổ của chiến tranh hôm qua, rồi lại vì miếng cơm manh áo hôm nay nhưng vẫn bất khuất, trung kiên chống lại áp bức, bất công.