Đại Đoàn Kết online trân trọng giới thiệu tới quý độc giả những cuốn sách đang gây nhiều chú ý trong thời gian qua.
Bìa cuốn "Đối thoại trong năm".
Đối thoại trong năm
Cuốn sách tập hợp những cuộc đối thoại thú vị với những chính khách, những nhà quản lý và văn nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực từng được các nhà báo Phan Thanh Phong, Hồ Cúc Phương, Phùng Nguyên… thực hiện, in trên Nhân Dân hằng tháng trong năm 2017.
Sách dày 206 trang do NXB Thông tấn ấn hành.
Với cái đích “khám phá cuộc sống từ những người trong cuộc”, “năm 2017 đã khép lại nhưng cuộc sống vẫn hiện lên, đọng lại trong ta qua 27 cuộc đối thoại.
Đó là những tác phẩm báo chí có giá trị, vì nó trả lời những vấn đề mà xã hội đang quan tâm”.
Đó là cảm nhận mà nhà báo, TS Ngọc Đản chia sẻ, sau khi chậm rãi đọc tới trang cuối của cuốn sách.
Thành công của cuốn sách, theo TS Ngọc Đản, “nghệ thuật trực tiếp phỏng vấn, đối thoại, trò chuyện sẽ mang lại sức lôi cuốn, hấp dẫn cho các tác phẩm báo chí khi các nhà báo nắm vững kiến thức, đam mê nghề nghiệp và có tay nghề vững vàng. Mỗi tác phẩm đều xuất phát từ trái tim.
Sự giao thoa trách nhiệm của tính “vấn đề” giữa các tác giả và nhân vật sẽ mang cho chúng ta những điều lý thú, mới mẻ trong suy nghĩ, thêm tin yêu nhịp điệu cuộc sống không ngừng nghỉ”.
Bìa cuốn "Năm tháng xa xôi".
Năm tháng xa xôi
Đây là một hợp tuyển quy tụ 12 truyện ngắn đã in trên Nhân Dân hằng tháng của nhiều tên tuổi viết truyện ngắn trên văn đàn cũng như những tác giả mới nổi. Độc giả có thể gặp ở đây Nguyễn Thị Thu Huệ với “Trong ngôi nhà người lạ”, Nguyễn Ngọc Tư với “Những biển”, Đỗ Chu với “Năm tháng xa xôi”, Võ Thị Xuân Hà với “Một quãng tuổi thơ”,…
Mỗi người một giọng điệu, mang tới những câu chuyện, những suy tư. Góp thêm sự sinh động cho cuốn sách văn chương này là minh họa của các họa sĩ Đào Hải Phong, Thành Chương, Đinh Quân, Đặng Xuân Hòa, Lương Xuân Đoàn…
Chính vì thế, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ví “Năm tháng xa xôi” là “một địa chỉ văn học đáng quý”, “một cuốn sách giúp người đọc trở về những giá trị gốc” và là nơi tập hợp đại diện của ba thế hệ cầm bút.
Bìa cuốn "Mắt đền mắt".
Mắt đền mắt
Với những độc giả yêu thích chuyên mục Bình luận quốc tế của ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng, tác giả Yên Ba đã trở thành một cái tên quen thuộc.
Bây giờ, những bài bình luận viết trong khoảng 3 năm trở lại đây được tập hợp lại thành cuốn “Mắt đền mắt” dày 278 trang, do NXB Thông tấn ấn hành.
Theo nhà báo Yên Ba, cuốn sách “là tập hợp của hai nội dung chính: những bài bình luận quốc tế và ảnh chân dung của các nhà lãnh đạo chính trị, các nguyên thủ của nhiều quốc gia mà tôi có cơ may ghi lại được qua ống kính của mình trong những năm hoạt động tác nghiệp báo chí tại nhiều nơi trên thế giới.
Cả hai đều hướng tới mục đích: phần nào phác hoạ nên chân dung một thời đại mà chúng ta đang sống, liên quan tới các biến cố, sự kiện trong đời sống chính trị quốc tế và Việt Nam”.
Bìa cuốn "Kẻ sỹ thì cười".
Kẻ sỹ thì cười
Cuốn sách tập hợp 44 bài viết của nhà báo Ngô Hương Sen về giới văn nghệ sĩ, trong đó có những nhân vật được chị viết tới hai lần. Với những cái tít ngắn gọn, súc tích và lắm khi “đóng đinh” cùng nhân vật, từ đó về sau như: Quý ông hội hoạ (họa sĩ Phạm Luận), “Nam vương” vô hại (nhà thơ Hữu Việt), “Sói già” không đơn độc (đạo diễn sân khấu, NSND Lê Hùng), “Vân tay” Đào Hải Phong, “Hoàng tử bé” Lê Thanh Sơn…
Nói như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, “nhiều văn bản ở đây cấu trúc là đan trộn với cá tính, những điểm thuộc về tính người rất riêng, lại nhuần nhuyễn mà phơi rõ phẩm chất con người và nghề nghiệp, văn cách...
Chính thế, văn bản Ngô Hương Sen hấp dẫn, đáng đọc... khi chị nắm bắt các sự kiện với cái tài của một nhà báo, với sự sắc sảo, thậm chí ranh ma, tinh quái, câu chữ biến ảo mà chiêm nghiệm, đặt đối tượng viết trên thế sự, trên một tâm thái nghệ thuật đương đại mà đổ chữ, nên chân dung của chị rất sắc nét, không cái nào giống cái nào”.