Trong số các nhà thơ nữ đương đại, Xuân Quỳnh là một tên tuổi nổi bật. Bà sinh ngày 6/10/1942. Cùng với chồng - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và con trai qua đời trong một vụ tai nạn giao thông ngày 29/8/1988, Xuân Quỳnh đã để lại nỗi tiếc nhớ trong lòng bạn bè văn nghệ lẫn những người hâm mộ thơ bà. Tháng 10 năm nay, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức. Trong số đó, không thể không nhắc tới đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" vào ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
1.Đêm thơ - nhạc - kịch “Hoa cúc xanh” do gia đình thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ phối hợp thực hiện. Sự kiện quy tụ được một ê-kíp sáng tạo hùng hậu với những tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật như: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Tổng đạo diễn; Nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc Âm nhạc; NSƯT Trần Lực - Đạo diễn Sân khấu; Họa sĩ Hà Nguyên Long - Thiết kế sân khấu… Ngoài ra, đêm thơ - nhạc - kịch còn có sự tham gia của một loạt nghệ sĩ tên tuổi tham gia biểu diễn các tiết mục thơ như: NSND Chiều Xuân, NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Trang... Phần âm nhạc sẽ có sự xuất hiện của ca sĩ Hồng Nhung, Bùi Lan Hương... cùng các nhóm nhạc trẻ.
Tên gọi "Hoa cúc xanh" được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên "Hoa cúc xanh" của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Theo lời kể của PGS.TS Lưu Khánh Thơ - em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ, bài thơ "Hoa cúc xanh" của Xuân Quỳnh được hoàn thành vào tháng 4/1987, khi đó nhà thơ Lưu Quang Vũ đi công tác tại TPHCM. Gần đến ngày sinh nhật của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã viết thư cho chồng tâm sự rằng, từ ngày hai người lấy nhau đến giờ, đây là lần đầu nhà thơ Lưu Quang Vũ đi vắng vào ngày sinh nhật. Vì thế, Xuân Quỳnh viết bài thơ “Hoa cúc xanh” để tặng sinh nhật Lưu Quang Vũ: “Hoa cúc xanh có hay là không có/ Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa/ Một dòng sông lặng chảy từ xa/ Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ […] Trên thềm cũ mùa thu vàng gió nắng/ Đời yên bình chưa có những chia xa/ Khắp mặt đầm xanh biếc một màu hoa/ Hương thơm ngát cả một vùng xứ sở…”.
Bài thơ “Hoa cúc xanh” đã in trong nhiều tập thơ của Xuân Quỳnh. Và nếu căn cứ theo mốc thời gian ghi dưới bài thơ thì “Hoa cúc xanh” đã được nhà thơ ấp ủ từ năm 1964 cho đến năm 1987 mới hoàn chỉnh.
Sau khi bài thơ “Hoa cúc xanh” của Xuân Quỳnh ra đời một thời gian ngắn, Lưu Quang Vũ nảy hứng viết vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và vở này sau khi công diễn đã được khán giả bấy giờ rất yêu thích. Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” cũng có nhân vật là đôi bạn thân thiết với nhau thời thơ ấu, yêu nhau, cấu trúc vở kịch có những đồng điệu với cấu tứ bài thơ “Hoa cúc xanh” của Xuân Quỳnh.
Ngày nay, “Hoa cúc xanh" của Xuân Quỳnh vẫn khiến người đọc rung động trước những lời thơ giản dị nhưng chứa đựng mong ước của tình yêu, tuổi trẻ. Qua bao hạnh phúc và đắng cay trải nghiệm để trả lời câu hỏi: "Hoa cúc xanh có hay là không có". Câu hỏi ấy đã thành một điệp khúc ngân vang trong toàn bài mà mỗi khổ thơ là một sự lý giải khá thú vị.
2.Đêm thơ - nhạc - kịch gồm các phần: Bầu trời trong quả trứng, Tự hát, Sóng, Hoa cúc xanh. Nếu “Tự hát” tái hiện chân dung đa diện của Xuân Quỳnh thông qua những sắc màu âm nhạc mới mẻ thì “Sóng” sẽ cho khán giả thấy một nữ sĩ "dữ dội và dịu êm" trong tình yêu. Riêng phần “Hoa cúc xanh” là vở kịch “Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi” do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp viết kịch bản và sân khấu Lực Team của NSƯT Trần Lực dàn dựng.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, “Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi” là vở kịch mới với hơi thở của cuộc sống đương đại. “Tôi viết vở kịch ngắn này hồi tháng 3 năm ngoái”, Hoàng Điệp chia sẻ.
Trong khi đó, đạo diễn Trần Lực tiết lộ: "Vở kịch ngắn tôi làm lần này đúng theo ý tưởng của chương trình là sự hòa quyện mạch cảm xúc đầy thi vị và lãng mạn của tình yêu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh... Từ bé, tôi đã xem kịch của anh Vũ rất nhiều. Tôi cảm nhận rằng, mỗi vở kịch của anh Vũ đều có hơi thở của chị Quỳnh. Tôi cũng xin bật mí rằng, trong vở kịch lần này vẫn là những nhân vật cũ và được gửi gắm cho hai diễn viên: Phương My và NSƯT Kim Oanh trong hai vai diễn: Liên - người đi tìm lại đầm lầy và một phiên bản Liên - người máy, nhưng đây sẽ là một cuộc gặp thú vị”.
Trần Lực cũng chia sẻ thêm, đây là một chương trình tràn ngập tinh thần thơ nên kịch cũng sẽ mang đậm chất thơ trong đó. Anh cũng hy vọng đêm thơ - nhạc - kịch “Hoa cúc xanh” sẽ là dịp để thơ của Xuân Quỳnh đến với người trẻ. Đạo diễn Trần Lực cho rằng, chính các tác phẩm nghệ thuật hiện đại sẽ là cầu nối để giúp khán giả trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và kết nối với những giá trị nghệ thuật bền vững.
3.Nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc Âm nhạc của chương trình cho biết, không gian âm nhạc trong "Hoa cúc xanh" sẽ mang tính đương đại, nó thoát khỏi những màu sắc cũ kỹ, đương nhiên vẫn trên tinh thần tôn trọng di sản thi ca của hai tác giả. Trong chương trình, cũng sẽ có một số ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh được làm mới lại. Nếu trước kia, chúng ta quan trọng tính đại chúng, dễ hiểu, dễ thuộc, nhưng hiện tại yếu tố gợi mở sẽ được đề cao hơn, nhằm tạo nên sự hòa quyện thực sự về ca từ và giai điệu.
Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng khẳng định, âm nhạc trong đêm thơ - nhạc - kịch sẽ được làm mới bằng những bản phối tinh tế và có nhiều ca khúc được đặt sáng tác riêng cho chương trình. Phần hình ảnh sân khấu cũng sẽ là những mảng màu cũ mới đan xen, trong đó, chất thơ và hiện thực của đời sống biểu hiện trên bối cảnh sân khấu sẽ đưa người xem đến gần hơn với những năm tháng của thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã sống.
Đảm nhiệm vai trò thiết kế sân khấu trong đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh”, họa sĩ Hà Nguyên Long cho biết, thế giới thơ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh để lại cho người đọc những cảm xúc rất riêng tư và sâu sắc. Tuy nhiên, các tác phẩm của họ luôn mộc mạc nhưng có nhiều lớp cảm xúc ẩn giấu. “Việc khó là lột tả được những thứ còn đang ẩn giấu ấy đến với khán giả một cách hiệu quả, dễ hiểu, dễ cảm và gây rung động”, Hà Nguyên Long nói, đồng thời cho biết, “muốn chương trình có một sự mộc mạc phi thời gian, phi thế hệ. Mọi thứ sẽ vừa cũ, vừa mới, vừa quen vừa đôi khi rất lạ lẫm chờ được khám phá hoặc cảm thụ”.
* Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Bà bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Với những đóng góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam, năm 2017, bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.
* Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi Lưu Quang Vũ đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập "Hương cây- Bếp lửa" (1968).
Từ 1978 đến 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17” viết lại theo kịch bản của Lưu Quý Kỳ. Tiếp sau đó, hơn 50 vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Người tốt nhà số 5, Ngọc Hân công chúa, Linh hồn của đá, Ông vua hóa hổ, Chiếc ô công lý, Ông không phải là bố tôi, Điều không thể mất, Ai là thủ phạm, Chuyện tình bên dòng sông thu, Tin ở hoa hồng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng…