Sáng 12/4 (16/3 âm lịch), tại làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi các họ tộc ở đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (KLTLHS) để tri ân các thế hệ cha ông đã ra dong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc để bảo vệ quyền biển đảo của dân tộc.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nào cũng được tổ chức trang nghiêm, chu đáo.
Thiêng liêng nghi lễ truyền thống
Lễ KLTLHS là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đây là nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm của các tộc họ sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn nhằm tri ân Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là những người hùng binh năm xưa ra đi thực hiện chủ quyền của đất nước tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lễ KLTLHS đã tồn tại hàng trăm năm qua, in hằn trong tâm thức mỗi người dân và đã trở thành một trong những nét sinh hoạt tinh thần tiêu biểu của cư dân vùng huyện đảo này.
Theo đó, hàng năm trong dịp lễ có hàng nghìn du khách đến đảo Lý Sơn tham quan, nghỉ ngơi, trong đó có đến hàng nghìn người ở lại tham dự lễ Lễ KLTLHS.
Các bô lão thực hiện Lễ Chánh tế tại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
UBND xã An Vĩnh cho biết: Những ngày qua bà con trên đảo đã sơn sửa lại các các đình làng, miếu thờ để cho khang trang hơn, thực hiện bồi đắp và dọn các ngôi mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa mà người dân nơi đây gọi là Mộ gió và chuẩn bị đầy đủ các lễ vật. Người lớn hướng dẫn cho lớp trẻ từng công việc chu đáo, như dựng mô hình thuyền phải làm như thế nào, hay sắm lễ vật gì và chuẩn bị cung kính cho từng lễ ra sao. Tất cả đều được chú trọng từng khâu một, tất cả công việc đã hoàn tất.
Để chuẩn bị cho lễ, UBND xã đã chỉ đảo Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh tiến hành phục dựng lại 5 thuyền câu cùng vật dụng của Đội dân binh hoàng Sa và 25 linh vị ghi danh tính, chức danh từng dân binh trong đội Hoàng Sa năm xưa, kèm theo Văn tế lính Hoàng Sa và tất cả đã được hoàn tất cho buổi lễ sáng nay.
“Lễ KLTLHS năm nay diễn ra với nhiều phần lễ như lễ Chánh Tế; lễ Trình, lễ Nhập Yết tại đình Sở và lễ Nhập Yết Kỉnh Sinh tại Nghĩa Tự; Lễ Khao lề thế lính. Trong đó, trọng tâm là nghi Lễ KLTLHS”. Anh Phan Đình Thân người dân xã An Vĩnh chia sẻ.
Còn cụ Đặng Tâm cho biết: “Đây là lễ truyền thống và rất thiêng liêng. Bởi lễ không chỉ nhằm tái hiện, khắc họa sinh động lại Lễ KLTLHS năm xưa và nghi lễ với nghĩa cử tri ân, tưởng nhớ các binh phu trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn đi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc mà cũng là để gửi đi thông điệp với thế giới về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta. Điều đáng mừng là con cháu ngày nay rất ý thức với lễ này và cũng được nhiều du khách biết đến hướng về lễ”.
Mô hình thuyền đi Hoàng Sa của Hải đội Hoàng Sa và các hình nhân đã được làm xong.
Tri ân hùng binh, khẳng định chủ quyền
Theo cụ Phạm Thoại Tuyền, 75 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, Hậu duệ đời thứ 5 của Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật - là một trong những người đã từng được vua Gia Long, vua Minh Mạng cử đi Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa, cho biết: “Thời các hùng binh năm xưa có nhiệm vụ đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với đó là tìm kiếm hải vật, sản vật”.
Còn Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên chia nhau đi biển, lấy tháng Giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim cá làm đồ ăn...”.
Cụ Đặng Tâm cho rằng: “Lễ rất thiêng liêng nên phải thực hiện trân trọng với cả tấm lòng thành. Hơn nữa để con cháu chúng ta đời đời nhớ về tổ tiển nhớ về những hùng binh năm xưa”
Sau khu chuẩn bị chu đáo mọi việc, mọi lễ vật, lễ chính đã được diễn ra. Bắt đầu từ việc chiêng trống được gióng lên báo hiệu cho bà con tộc họ đến giờ làm lễ yết. Theo đó, Lễ thế lính Hoàng Sa được tổ chức long trọng trước sân đình làng An Vĩnh do Trưởng ban khánh tiết thực hiện và điều khiển.
Văn tế lính Hoàng Sa đã được tế lên trong không khí trang nghiêm và với lòng thành tâm của con cháu. Sau khi làm lễ xong, con cháu tiến hành thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và tiếp tục tham gia rước thuyền ra biển chứng kiến cảnh thả thuyền.
Đoàn thuyền và hình nhân tái hiện hình ảnh các hùng binh năm xưa xuất quân ra Hoàng Sa.
Đội thả thuyền gồm những nam thanh niên của làng An Vĩnh, trong trang phục thuyền đua bắt đầu rước thuyền từ sân đình làng xuống biển và thả thuyền. Thuyền thả gồm 5 chiếc, trong đó có một chiếc lớn và bốn chiếc còn lại nhỏ hơn và bằng nhau.
Thả theo trình tự hai thuyền nhỏ đi trước với chức năng tiền trạm, thuyền lớn đi giữa vì trên thuyền có cai đội và hai thuyền nhỏ còn lại đi sau cùng.
Trên thuyền đặt các hình nhân tượng trưng cho người lính trong Hải đội Hoàng Sa cùng những thứ cần thiết của người lính mỗi khi ra đảo xa như: muối, gạo, chè xôi, vàng mã, nếp nổ, gỏi cá nhám, cua, cá nướng,…
Thuyền lễ có đế bằng cây chuối, ba cây chuối dài khoảng 1,5-2m, được kết lại với nhau bằng các thanh tre (đóng bè). Trên đế bè gắn con thuyền làm bằng tre và giấy ngũ sắc, có buồm, cờ, phướn, như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa, Trường Sa.
Một bô lão tại làng An Vĩnh cho biết: “Đình làng An Vĩnh được xây dựng vào thế kỷ 18, là di tích có giá trị lịch sử to lớn trong việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nơi đây, trước khi hải đội Hoàng Sa làm lễ xuất binh đi Hoàng Sa, họ đã làm lễ báo với thần linh, với tổ tiên nhiệm vụ vâng lệnh triều đình ra khai thác sản vật và cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...”.
“Hằng năm vào 16/3 âm lịch, các họ tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha ông đã dũng cảm vượt qua mọi khăn bão tố để ra biển đông cắm mốc và thu hải vật biển ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc. Việc tổ chức lễ này, giáo dục cho các con cháu hiểu được ý nghĩa lịch sự biển đảo của dân tộc, nét văn hóa tâm linh của người dân đảo Lý Sơn”, Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết.
Đúng như vậy, từ rất lâu, Lễ KLTLTS đã in sâu trong tâm trí của người dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung. Đây là lễ không chỉ nhằm tri ân những người đã bỏ mình giữ gìn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ con cháu hôm nay và mai về sự nghiệp gìn giữ bờ cõi, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Do đó đối với người dân nơi đây Lễ KLTLTS là vô cùng thiêng liêng và năm nào cùng được tổ chức trang nghiêm, chu đáo và đông đảo người dân tham gia.