Sáng 19/11, tại Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Bộ GDĐT tổ chức đại lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Đến dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo tỉnh/thành ủy, UBND, HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các vụ/cục; các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT; các sở GDĐT.
Đặc biệt, là các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh thành phố.
Sự kiện Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) được Bộ GDĐT xác định là một trong những việc trọng tâm trong năm 2022. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển GDĐT.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh vị thế cao quý của nghề giáo. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.
Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115 nghìn giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24 nghìn người có học vị tiến sĩ, hơn 43 nghìn phó giáo sư, và 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú.
Đội ngũ đông đảo các nhà giáo đang tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, từ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội và liên hiệp hội, các tổ chức xã hội, họ là lực lượng có chuyên môn, hiểu biết và có trách nhiệm trong các hoạt động của đất nước.
Theo Bộ trưởng, đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ đồ đất nước to lớn vững bền chưa từng có. Để đạt được những thành tựu đó, ngành Giáo dục và các nhà giáo có đóng góp quan trọng.
Chia sẻ về trọng trách của giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có. Nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số; phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp của khoa học kiểm tra đánh giá tiên tiến.
Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời khẳng định, Bộ GDĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.
Trong chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Sau chặng đường 32 năm đứng trên bục giảng, cá nhân tôi luôn thấm thía, nghề dạy học chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Nó thậm chí ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại của Intenet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.
Có hai quy tắc bất biến để mỗi thầy cô giáo có thể dạy học trò thành tài mà không một thứ máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được. Đó là sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là cốt cách, nhân phẩm và là yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài của dân tộc ta cũng như ghi nhận những kết quả đã đạt được của ngành giáo dục những năm qua.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng tin tưởng, với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao, nhiệt huyết nhiều, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt. Các thầy cô thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý; nghề sáng tạo trong những nghề sáng tạo; góp phần vì cả nước, vì mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.